Từ năm 2000-2022 lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đều sụt giảm dẫn đến tổng doanh thu từ du lịch sụt giảm mạnh. Là một ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động du lịch liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, do vậy khi du lịch suy thoái sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế khác như hàng không, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ…
Trong bối cảnh đặc biệt nêu trên, Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ IV (2017-2022) và đạt được nhiều kết quả.
Trong 5 năm qua đã có thêm 7 tỉnh, thành phố thành lập hiệp hội du lịch và đăng ký là thành viên trong đại gia đình VITA. Tính đến tháng 3/2022 VITA có 16 đơn vị trực thuộc, 55 hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố, 2 hiệp hội khu vực là Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Hiệp hội Du lịch Công đoàn Việt Nam, Liên hiệp Quần vợt du lịch Việt Nam, tăng 26% so với nhiệm kỳ III.
Về công tác hội viên cũng đặc biệt được quan tâm. Tính chung nhiệm kỳ IV, tổng số hội viên mới được kết nạp đã vượt xa kế hoạch đề ra, đưa tổng số hội viên chính thức của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các tổ chức thành viên từ 3.200 hội viên năm 2017 lên gần 9.000 doanh nghiệp, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2017.
Để khôi phục lại hoạt động du lịch nội địa, ngay từ đầu năm 2020 Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nỗ lực tuyên truyền, triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, phối hợp tới hiệp hội du lịch các địa phương; thành lập liên minh kích cầu du lịch nội địa với sự tham gia của các công ty lữ hành lớn trong toàn quốc; khẩn trương xây dựng và tổ chức các đợt kích cầu du lịch nội địa ngay cuối tháng 2/2020 và những tháng tiếp theo khi Việt Nam cơ bản đẩy lùi được dịch COVID-19, thu hút được khách du lịch nội địa đến những địa phương được đánh giá đảm bảo an toàn.
Về công tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch và mở rộng, phát triển thị trường du lịch, trong 5 năm qua Hiệp hội đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các liên chi hội du lịch chuyên ngành cùng với doanh nghiệp du lịch hội viên tại các địa phương tập trung nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo mang thương hiệu của địa phương. Đồng thời quan tâm làm mới lại sản phẩm du lịch nhằm tăng sức hấp dẫn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan, du lịch.
Từ ngày 15/3, được sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành du lịch đã mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Cùng với việc tuân thủ các quy định trong việc phòng, chống dịch COVID-19, cần tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, các vùng miền, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong Hiệp hội cùng nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn trước mắt, tập trung mọi nguồn lực cho việc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Đại hội đã bầu ra 87 đại biểu vào Ban Chấp hành và 5 đại biểu vào Ban Kiểm tra Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ V (2022- 2027). Đại hội cũng đã bầu ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ IV làm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.