Ukraine đã điều các đơn vị mới tăng cường cho các tiểu đoàn thiện chiến khi họ tìm cách vượt qua các bãi mìn và chọc thủng các tuyến phòng thủ kiên cố khác của Nga.
Binh sỹ Ukraine bắn rocket về phía Bakhmut trong một chiến dịch ban đêm. Ảnh: NY Times
Các quan chức Lầu Năm Góc và các nhà phân tích quân sự cho rằng Ukraine có thể giành được lợi thế nhờ tác chiến vào ban đêm. Sử dụng kính nhìn đêm, xe thiết giáp Bradley và xe tăng Leopard có thể xác định và tấn công các mục tiêu của Nga trong bóng tối ở phạm vi xa hơn so với phía Nga.
Trong những ngày đầu của cuộc phản công, một số xe chiến đấu Bradley và xe tăng Leopard đã bị quân đội Ukraine bỏ lại hoặc bị lực lượng Nga phá hủy. Dù vậy, các quan chức Mỹ và Ukraine cho biết, đội xe tăng Ukraine nói chung đã sống sót sau các cuộc tấn công, nhiều chiếc Bradley và Leopard bị hư hại có thể được phục hồi và sửa chữa.
Ukraine không bình luận về tổn thất quân sự, nhưng điều kiện chiến trường đặt ra thách thức nghiêm trọng cho quân đội Ukraine. Các lực lượng Nga đã xây dựng một mạng lưới bãi mìn, bẫy xe tăng và các công trình phòng thủ khác, đồng thời địa hình trống trải, ít được che chắn dọc theo phần lớn mặt trận phía Nam khiến các lực lượng tiến công dễ lọt vào tầm bắn của bị pháo binh Nga.
Quân đội Ukraine đã vượt qua một số vị trí chiến đấu ban đầu dọc theo một phần của mặt trận và tiếp tục tìm kiếm các lỗ hổng của Nga, nhưng vẫn cách các tuyến phòng thủ chính của Nga vài km. Các quan chức và các nhà phân tích quân sự của Mỹ cho biết, Nga đang chờ xem liệu Ukraine có đạt được những tiến bộ đáng kể hay không trước khi thực hiện các động thái hoặc điều chỉnh lớn.
Tập trung vào tấn công, thay vì phòng thủ
Đối với những lữ đoàn mới được huấn luyện, tốc độ sẽ là điều tối quan trọng. Ông Seth G. Jones, Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Họ cần phải tiếp tục di chuyển, bởi vì càng đi chậm, họ càng dễ bị bị tấn công”.
Trong hơn một năm qua, các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng giữ bí mật các khía cạnh của khóa huấn luyện, do lo ngại điều này có thể “đổ thêm dầu vào lửa” quan điểm cho rằng chính Mỹ, chứ không phải Ukraine, đang gây chiến với Nga.
Hồi tháng 1/2023, chính quyền Mỹ đã cho phép các phóng viên theo dõi một phần cuộc huấn luyện ở Grafenwöhr, Đức, nhưng họ chỉ có thể theo dõi một số hoạt động của Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, các cuộc tiếp xúc giữa ông với quân đội và các chỉ huy của Ukraine. Báo chí không được phép đưa tin, chụp ảnh hoặc quay video các cuộc trao đổi cụ thể giữa Tướng Milley và lực lượng Ukraine.
Ukraine đang trông cậy vào các lữ đoàn do phương Tây huấn luyện để phá vỡ hệ thống phòng thủ của Nga, giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát và có thể cắt đứt cầu nối trên bộ giữa Nga với Bán đảo Crimea có tầm quan trọng chiến lược.
Một quan chức Lầu Năm Góc nói rằng, nhiều cuộc huấn luyện đã dạy quân đội Ukraine cách tấn công, thay vì tiếp tục phòng thủ. Khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Kiev đã triển khai các hoạt động phòng thủ, khiến Nga không thể giành được chiến thắng nhanh chóng.
Nếu các cuộc phản công bị đình trệ và cuộc xung đột tiếp tục kéo dài, nhiều người sẽ đặt câu hỏi liệu các nước phương Tây có tiếp tục hỗ trợ Ukraine với mức viện trợ quân sự hiện tại hay không. Các cuộc bầu cử sắp tới ở một số quốc gia đó, đặc biệt là Mỹ, có thể tác động đến việc viện trợ cho Ukraine trong tương lai.
Nhưng nếu Ukraine có thể tập hợp một loạt chiến thắng chiến thuật và xâu chuỗi chúng thành các điểm mấu chốt liên tiếp, lo ngại sẽ được xoa dịu phần nào. Hơn nữa, Kiev cũng có thể buộc Moscow phải ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt xung đột.