Olkiluoto 3, lò phản ứng hạt nhân mới đầu tiên được khánh thành ở châu Âu sau hơn 15 năm, đã giúp giảm giá điện ở Phần Lan tới 75%, từ 245,98 euro/MWh xuống còn 60,55 euro/MWh, theo The National .
Quốc gia này đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2035 và đang thúc đẩy các giải pháp năng lượng tái tạo. Ruusunen nói với National rằng Phần Lan muốn biến gió trở thành nguồn năng lượng chính vào năm 2027.
Phần Lan đang dư thừa điện. Ảnh: Getty
Nhà sản xuất thua lỗ
Ngoài ra, băng tan chảy nhanh, gây ra cảnh báo lũ lụt ở một số quốc gia Bắc Âu, đang đẩy các nhà máy thủy điện của Phần Lan vào tình trạng hoạt động quá tải dẫn tới lượng điện dồi dào.
"Trong các đợt lũ mùa xuân, thường xảy ra tình trạng sản xuất bắt buộc như thế này vì sản xuất không thể bị chậm lại. Do lượng nước lớn nên các nhà máy thủy điện thường điều tiết kém vào mùa xuân", Ruusunen nói.
Theo The Guardian, không chỉ Hà Lan mà một số quốc gia châu Âu khác cũng ghi nhận tình trạng thừa điện.
"Các quốc gia như Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đang có giá điện bằng 0 hoặc âm do sản xuất dư thừa... ", nhà phân tích năng lượng Gerard Reid nói.
Theo ông, giá điện giảm xuống 0 hoặc âm ở Bắc Âu xuất phát từ việc tuyết tan đáng kể ở Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan, cung cấp nguồn nhiên liệu lớn cho các tuabin thủy điện và tạo ra một lượng điện lớn.
Đồng tình với ông Reid, nhà khí tượng học Theo Gkousarov nói thêm rằng, điều kiện thời tiết ấm áp gần đây đã dẫn đến giá điện âm.
"Khu vực có áp suất cao chiếm ưu thế trên phần lớn trung tâm và tây bắc châu Âu đã dẫn đến công suất phát điện từ năng lượng mặt trời trên toàn khu vực tăng mạnh".
Tuy nhiên, tình trạng giá điện thấp khiến các nhà khai thác năng lượng gặp khó khăn khi giá đầu ra thấp hơn chi phí sản xuất.
Ruusunen cho biết: " Sản xuất không có lợi nhuận với mức giá này thường bị loại bỏ khỏi thị trường".