Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland trong chuyến thăm chớp nhoáng tới Niger đã gặp gỡ các đại diện phe đảo chính ngày 7/8.
Các quan chức Pháp cho rằng đó là ví dụ về việc hành động quá nhanh.
Dù Pháp và Mỹ vẫn phối hợp chặt chẽ với nhau trong nhiều vấn đề, như cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng căng thẳng đã xuất hiện trong quan hệ đồng minh lâu đời nhất, như sự ra đời của AUKUS, quan hệ với Trung Quốc và Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ mà châu Âu lo ngại sẽ hút đầu tư khỏi lục địa này.
Một quan chức Mỹ thừa nhận rằng có đồng minh không hài lòng với chuyến đi của bà Nuland đến Niger, nhưng không cho biết đồng minh nào hay mối quan tâm của họ là gì.
“Cửa sổ cơ hội đang đóng lại. Bạn có nên để cửa sổ đóng hay không, hay nên tạo ra sự linh hoạt nhất định?”, vị quan chức nói.
Trong tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng tân Đại sứ Mỹ tại Niger Kathleen FitzGibbon sẽ làm việc từ Niamey, thủ đô của Niger, dù Mỹ đã giảm hiện diện ngoại giao ở quốc gia này lý do an ninh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vedant Patel sẽ không nói chính xác khi nào Đại sứ FitzGibbon sẽ đến Niger. Khi được phóng viên hỏi liệu bà FitzGibbon có trình thư uỷ nhiệm lên chính quyền quân sự Niger hay không, ông Patel nói rằng điều này không cần thiết để Đại sứ FitzGibbon thực hiện công việc của mình.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng không phủ nhận căng thẳng giữa Pháp và Mỹ về Niger, nhưng nhấn mạnh rằng hai đồng minh sẽ tiếp tục đối thoại, cũng như với đại diện các quốc gia châu Phi.
Điện Elysée từ chối bình luận về tin đồn xích mích giữa Mỹ và Pháp, nhưng một quan chức Pháp thừa nhận có sự khác biệt trong cách tiếp cận của đối tác nhằm tìm cách giải quyết khủng hoảng ở Niger.
Một số cựu quan chức Mỹ cho rằng Mỹ nên cân nhắc lợi ích của chính mình trước khi chú ý đến thái độ của Pháp. Vì có khả năng các đối thủ của Mỹ là Trung Quốc, Nga hoặc các nhóm như Wagner có thể lấp vào khoảng trống ở Niger như đã làm tại nhiều nơi khác thuộc châu Phi.