Phát huy hiệu quả tổ tư vấn tâm lý học đường

Hồ Phúc | 10/11/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời gian qua, các tổ, ban tư vấn tâm lý trong trường phổ thông tại TPHCM đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Chính sự lắng nghe, chia sẻ của các thành viên phụ trách, đã từng bước tháo gỡ khó khăn trong học tập, tình cảm, gia đình… cho học sinh.

Đa dạng hình thức

Nhiều năm nay Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) dành một góc riêng tại tầng 1 tòa nhà giáo viên để làm công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh. Theo chia sẻ của cô Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, học sinh phổ thông là lứa tuổi có đặc điểm tâm sinh lý phát triển mạnh.

Vì vậy, khi đối mặt với sang chấn tâm lý, căng thẳng trong học tập, quan hệ gia đình và xã hội, các em dễ có hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện và hòa nhập cuộc sống.

Vì vậy, công tác tư vấn tâm lý học đường được Trường THCS Lương Định Của quan tâm đầu tư trong nhiều năm qua. Tổ tư vấn của trường gồm 14 thành viên gồm đại diện ban giám hiệu, thầy cô chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có năng lực tư vấn và cả đại diện phụ huynh nhà trường.

“Thành viên trong tổ tư vấn đã hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách. Từ đó, giúp học sinh có hướng giải quyết phù hợp vấn đề xảy ra trong học tập và cuộc sống”, cô Hiếu cho hay.

“Tổ tư vấn tâm lý của trường gồm 5 thành viên trong đó phó hiệu trưởng, giáo viên môn Giáo dục công dân, trợ lý thanh niên, nhân viên y tế, ban đại diện cha mẹ học sinh. Các em cũng chủ động trao đổi qua tin nhắn hoặc tìm đến khi có vấn đề về học tập hoặc tâm lý mà bản thân khó cân bằng.

Ngoài tư vấn riêng cho từng em, nhà trường đã tổ chức tư vấn tập trung về nghề, sức khỏe sinh sản, bạo lực học đường hay tổ chức cuộc thi tìm hiểu, hoặc qua các hoạt động ngoại khóa… Qua đó sẽ có những tác động chấn chỉnh, định hướng giúp học sinh phát triển theo hướng tích cực”, thầy Quốc cho biết.

Theo thầy Huỳnh Bảo Quốc, Hiệu trưởng Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ), vấn đề học sinh gặp phải chủ yếu xoay quanh hoàn cảnh gia đình, tình cảm tuổi mới lớn và chuyện học tập như: Sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh; những câu chuyện về mục tiêu sống, kỹ năng sống hay vấn đề về phương pháp học tập, sức ép bài vở, môn học. Trong khi đó, nhiều em không thích chia sẻ hoặc không dám nói với thầy, cô giáo và gia đình những suy nghĩ đó.

Bước vào THPT, do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ lại thường xuyên mâu thuẫn nên em Nguyễn Thị Diễm S., học sinh lớp 11 Trường THPT An Nghĩa, luôn cảm thấy rất buồn, sống khép kín và ngại giao tiếp với bạn bè. Tuy nhiên khi cô giáo chủ nhiệm biết đã cùng với thầy cô trong tổ tư vấn tâm lý trò chuyện, định hướng cho em rất nhiều.

“Nhờ đó sự khuyên bảo của các thầy cô đã giúp em dần có suy nghĩ tích cực. Giờ đây, em khá cởi mở với bạn bè và nếu có chuyện gì không giữ trong lòng mà đều tìm đến các thầy cô để chia sẻ, sau mỗi cuộc trò chuyện tâm trạng em thoải mái hẳn”, em Nguyễn Thị Diễm S. tâm sự.

Nâng cao chuyên môn, kỹ năng

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10), cho biết, đối với công tác tư vấn tâm lý trong trường học, giáo viên tư vấn phải là những người có trải nghiệm, giọng nói truyền cảm cuốn hút, tạo được niềm tin ở học trò. Tại Trường THPT Nguyễn Du không có phòng tư vấn tâm lý học đường nhưng công tác tư vấn tâm lý cho học sinh thời gian qua rất hiệu quả.

Làm sao phát huy hiệu quả tổ tư vấn tâm lý học đường? ảnh 1
Không gian tư vấn tâm lý học đường của Trường THCS Lương Định Của.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (năm học 2022 - 2023), Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường học phải thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ học sinh; không để xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan tâm lý học sinh, sinh viên. Đơn vị này cũng khuyến khích các trường ký hợp đồng với cán bộ, giáo viên hoặc chuyên gia có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp trong việc tư vấn tâm lý.

Ban tư vấn tâm lý học đường của trường gồm thành viên của ban giám hiệu, thầy cô làm công tác giám thị, trợ lý thanh niên, giáo viên dạy kỹ năng. Ngoài ra, giáo viên làm công tác chủ nhiệm cũng là những nhân tố tích cực trong việc tư vấn tâm lý cho học sinh.

Tại Trường THCS An Lạc (quận Bình Tân), ban tư vấn tâm lý có 3 thành viên gồm cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác chủ nhiệm và giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý học đường, đồng thời cũng thực hiện giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo. Trong đó, giáo viên kiêm nhiệm sẽ được giảm số tiết dạy để thực hiện công tác.

Theo thầy Phùng Minh Vương, Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc, ban tư vấn tâm lý học đường được nhà trường cử tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức. Công tác tư vấn tâm lý học đường đã hỗ trợ, giúp đỡ học sinh gặp khó khăn trong học tập, tư vấn cho học sinh vượt qua các trở ngại về mặt tâm lý ở tuổi dậy thì.

Tuy nhiên theo chia sẻ của thầy Vương, hoạt động của ban tư vấn tâm lý học đường sẽ đạt hiệu quả hơn nếu có 1 giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn. Những năm qua, trường đã thực hiện tuyển dụng vị trí giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường nhưng chưa tuyển dụng được do không có ứng viên ứng cử.

Theo ThS tâm lý Phan Thị Cẩm Giang (Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn), trong nhà trường tổ tư vấn tâm lý có vai trò quan trọng. Tuy nhiên trên thực tế để khẳng định là quan trọng hay không thì cũng phải xem người hỗ trợ công tác tư vấn tâm lý là ai và có nắm được các nhiệm vụ tư vấn tâm lý học đường.

Đặc biệt, những người được giao phụ trách công tác tư vấn có hiểu được đặc điểm tâm lý lứa tuổi và bản chất tham vấn tâm lý học đường cũng như kỹ thuật để hỗ trợ hay không.

“Hiện, nhiều trường đại học đào tạo ngành tâm lý học, cũng có ngành tâm lý học trường học, tuy nhiên thực sự vẫn chưa đi sâu vào thực hành. Vì vậy có tình trạng thành viên tổ tư vấn tâm lý học đường không biết cách lập một ca tư vấn, tham vấn như thế nào hay không biết sử dụng liệu pháp ra sao.

Bên cạnh đó, nhiều nhà trường không có công cụ, dụng cụ để tư vấn tham vấn. Vì vậy, trường học phải tạo điều kiện để người làm công tác tư vấn tâm lý được cập nhật kiến thức, kỹ năng cũng như tự học để nâng cao chuyên môn”, ThS Giang chia sẻ.

Bài liên quan
Nguồn gốc của chữ viết
(GDTD) - Chữ hình nêm là một trong những hình thức diễn tả bằng chữ viết được biết tới sớm nhất, khoảng thế kỷ 30 trước công nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy hiệu quả tổ tư vấn tâm lý học đường