Tuy vậy, với hình thức hợp tác cộng tác viên, nghệ nhân, nhiều trường học lại đau đầu với kinh phí để chi trả. Bởi do Nghệ thuật là môn học tự chọn nên hầu hết các trường chưa thể chủ động được đội ngũ, phải đi vào dạy học thực tế mới đánh giá được nhu cầu của học sinh để sắp xếp giáo viên đứng lớp.
Hiệu trưởng các trường THPT cho biết, là môn học mới, học sinh được quyền lựa chọn nên có thể sẽ có tình trạng cả khối chỉ có một hai chục em đăng ký. Khi đó, nhà trường cũng sẽ phải ký hợp đồng với một giáo viên THCS lên dạy. Mỗi giờ dạy chỉ được trả khoảng 50.000 đồng, số tiền quá thấp, lại chỉ có 1 - 2 tiết, e rằng giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng khó mà chấp nhận.
Giáo dục nghệ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng đến mục tiêu đào tạo con người mới Việt Nam phát triển cân đối, hài hòa, toàn diện, có ý thức về cái đẹp. Môn Nghệ thuật không chỉ dạy về nhạc, họa, mà còn dạy về cái chân, thiện, mỹ, nhân văn. Vì thế, quan điểm của Bộ GD&ĐT là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải có đủ giáo viên để đảm bảo quyền được học của học sinh.
Trước tình hình đội ngũ giáo viên bộ môn Nghệ thuật còn trống vắng, rất cần một cơ chế linh hoạt cả về tuyển dụng, tài chính và chuyên môn để gỡ khó cho nhà trường khi bắt đầu triển khai, nhằm bảo đảm chất lượng dạy học. Để thực hiện được vấn đề này đòi hỏi các địa phương phải có sự chủ động, linh hoạt trong thẩm quyền của mình.
Không chỉ chủ động, linh hoạt trong điều tiết giáo viên dạy liên trường, giáo viên hợp đồng; xây dựng chế độ chính sách cho giáo viên dạy liên trường, giáo viên hợp đồng phù hợp, các địa phương cũng có thể tính tới phương án đẩy mạnh xây dựng bài giảng điện tử môn Nghệ thuật dùng chung trong dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời gian tới.