Hình ảnh minh họa việc chặt phá rừng bừa bãi, khai thác gỗ trái phép. |
Để dạy tốt bài 48 (SGK, tr. 98) “An toàn và tránh lãng phí khi sử dụng điện” tôi yêu cầu học sinh chuẩn bị mang đến lớp các phiếu thu tiền điện của mỗi gia đình cho các em thảo luận so sánh để tìm hiểu việc cần thiết phải tiết kiệm điện. Cuối cùng giáo viên kết luận: Trong việc mua bán hàng hóa nếu chúng ta càng mua số lượng nhiều thì giá càng rẻ nhưng riêng việc sử dụng điện nếu chúng ta càng mua nhiều thì giá càng cao. Từ đó, giáo dục cho học sinh ý thức tiết kiệm điện. Trong cuộc sống hàng ngày ở nhà cũng như ở trường.
Khi dạy các bài 65, 66, 67 (SGK, tr. 134, 136, 138): “Tác động của con người đến môi trường rừng, môi trường đất, môi trường nước”, ngoài tranh ĐDDH hiện có, tôi cùng học sinh sưu tầm tranh rừng bị tàn phá, nguồn nước bị ô nhiễm, khói thải từ các nhà máy ra và thông tin về cháy rừng, nước thải chưa xử lý… Từ đó, việc liên hệ giáo dục được cụ thể.
Cho học sinh nghe những thông tin mang tính thời sự, xem những đoạn phim, video clip về khoa học và môi trường. Hình thức liên hệ thực tiễn này gợi cho các em những hình ảnh thiết thực, gần gũi và thấy được mối quan hệ mật thiết giữa khoa học với đời sống, với môi trường, bởi vì “Một hình ảnh, một đoạn phim có thể thay thế cho rất nhiều lời giảng”. Từ đó, các em biết vận dụng những kiến thức khoa học vào việc xây dựng, bảo vệ, cải tạo môi trường mà các em đang sống.
Khi dạy bài 45 (SGK, tr. 92) “Sử dụng năng lượng điện”, sau khi cho học sinh tìm hiểu để thấy được vai trò quan trọng và những tiện lợi của điện đối với cuộc sống con người. Tôi cho học sinh xem clip hình ảnh về nước ta và thế giới hưởng ứng “Giờ Trái đất”. Từ đó, các em liên hệ xem địa phương, gia đình và bản thân em đã làm gì để hưởng ứng phong trào này.
Thông thường, một đoạn phim khoa học về môi trường tuy dung lượng ngắn, không tốn nhiều thời gian nhưng vẫn đảm bảo truyền tải được đầy đủ thông tin đến học sinh. Nổi bật nhất là các phim về ô nhiễm môi trường, tác hại do con người trực tiếp hay gián tiếp gây ra cho môi trường và cách khắc phục.
Để kiểm tra nhận thức của học sinh sau khi xem phim, tôi đưa ra hệ thống các câu hỏi có liên quan để học sinh trả lời. Sau khi phân tích, tổng hợp nội dung trả lời của học sinh, giáo viên rút ra nội dung chính của vấn đề, đồng thời gợi mở các biện pháp cải tạo bảo vệ môi trường. Từ đó, các em thể hiện được các hành vi cụ thể góp phần bảo vệ môi trường xung quanh.
Khi dạy bài 68 (SGK, tr. 140): “Một số biện pháp bảo vệ môi trường”, tôi cho học sinh xem một số đoạn phim hoặc hình ảnh minh họa và nêu việc làm hàng ngày của các em thể hiện việc góp phần làm sạch đẹp môi trường. Sau đó, tôi liên hệ thực tế một số hình ảnh lao động của các tổ chức trong xã, khu dân cư các em sinh sống góp phần cải tạo khuôn viên.
Khi dạy bài 45 (SGK, tr.92) “Sử dụng năng lượng điện” tôi tổ chức cho học sinh chơi trò chơi: “Ai nhanh, ai đúng”.
- Mục đích: Học sinh kể được tên các dụng cụ phương tiện sử dụng điện và thấy được vai trò của chúng trong cuộc sống.
Cách chơi: Học sinh chơi theo nhóm.
Các em lần lượt ghi tên các dụng cụ phương tiện sử dụng điện theo từng loại hoạt động theo bảng sau:
Mỗi em chỉ nên ghi một hoạt động và dụng cụ phương tiện sử dụng, ghi xong về đưa phấn cho bạn tiếp theo, trong cùng 1 đội không được ghi trùng hoạt động. Trong cùng một thời gian, nhóm nào ghi được nhiều hoạt động và phương tiện, dụng cụ đúng thì nhóm đó thắng cuộc. Qua trò chơi yêu cầu học sinh trao đổi để nhận thấy vai trò quan trọng và tiện lợi mà điện đã mang lại cho cuộc sống con người chúng ta, từ đó giáo dục các em tiết kiệm điện.
Khi dạy bài 63 (SGK, tr.130) “Tài nguyên thiên nhiên”, giáo viên có thể áp dụng trò chơi “Đối mặt”.
Mục đích: Học sinh kể được tên một số tài nguyên thiên nhiên, công dụng của chúng và thể hiện sự hiểu biết về môi trường. Hình thức chơi: Chơi theo nhóm khoảng 8 đến 10 học sinh chia thành 2 đội. (Đội A và đội B) tạo thành 4 đến 5 cặp đứng đối mặt với nhau.
Cách chơi: Lớp trưởng làm người dẫn chương trình, yêu cầu học sinh 1 ở đội A nêu tên tài nguyên thiên nhiên thì học sinh 1 ở đội B (đứng đối mặt với A) phải nêu công dụng của tài nguyên đó. Lần lượt học sinh 2 ở đội B nêu tên tài nguyên thì học sinh 2 ở đội A (đứng đối mặt với B) nêu công dụng. Cứ lần lượt như thế cho đến hết, nếu học sinh nào nêu sai là loại trực tiếp, hết lượt nếu đội nào có số người còn lại nhiều hơn là thắng cuộc.
Áp dụng trò chơi “Ai nhanh trí hơn” vào dạy bài 64 (SGK, tr. 132) “Vai trò của môi trường tự nhiên đối với đời sống con người”.
Mục đích: Củng cố cho học sinh những kiến thức về vai trò của môi trường đối với đời sống con người.
Hình thức chơi: Cá nhân hay nhóm.
Cách chơi: Giáo viên yêu cầu học sinh liệt kê vào bảng những gì môi trường cung cấp cho hoặc nhận từ hoạt động và sản xuất của con người (theo mẫu).
Môi trường cho: ..............................................
Môi trường nhận: ......................................
Nếu học sinh 1 viết vào cột Môi trường cho thì học sinh 2 viết vào cột Môi trường nhận và ngược lại. Cứ thế đến khi nào học sinh không còn liệt kê được những gì môi trường cho hoặc môi trường nhận nữa thì người kia thắng cuộc. Qua trò chơi, giáo viên nêu câu hỏi để học sinh liên hệ:
Điều gì sẽ xảy ra nếu con người khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi và thải ra môi trường nhiều chất độc hại? Từ đó, giáo viên giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và liên hệ trong cuộc sống hàng ngày của học sinh một cách hiệu quả.
Hình ảnh minh họa nguyên nhân cá chết hàng loạt vì nguồn nước bị ô nhiễm. |
Đây là một hoạt động tự nguyện, tập hợp những học sinh có hứng thú với bộ môn nhằm mở rộng và bổ sung những tri thức khoa học trong chương trình chính khóa nói chung và kiến thức môi trường nói riêng. Một số hoạt động cụ thể như tổ chức “Câu lạc bộ môi trường tí hon” nhằm trao đổi, giám sát hoạt động của học sinh trong việc bảo vệ môi trường lớp sạch đẹp.
Khi học sinh thực hiện “Bồn hoa em chăm” thì hàng tuần các em tự phân nhóm thực hiện cho phù hợp với công việc như các bạn nam thì xách sọt rác, xách nước… các bạn nữ thì lượm rác, múc nước tưới cây xanh, nhổ cỏ… Tuyên truyền đến học sinh những điều khoản cơ bản về Luật Bảo vệ môi trường (các tổ sưu tầm và gắn vào bảng tin ở cuối lớp).
Khi dạy Chương IV: “Môi trường và tài nguyên thiên nhiên”, tôi tuyên truyền đến học sinh Điều 3, Khoản 3 “Luật Bảo vệ môi trường” như sau:
“Hoạt động bảo vệ môi trường” là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; Bảo vệ đa dạng sinh học.
Tổ chức liên hoan văn nghệ, diễn tiểu phẩm với nội dung liên quan đến môi trường (lồng ghép vào phần củng cố bài hoặc các tiết sinh hoạt tập thể). Tổ chức triển lãm về môi trường, bảo vệ môi trường với những tư liệu, hiện vật học sinh thu thập được theo chủ đề của Liên đội cụ thể (thực hiện Ngôi nhà kế hoạch nhỏ).
Trên đây là một số biện pháp tôi đã thực hiện để dạy tốt nội dung tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường ở môn Khoa học lớp 5.