Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới, cần tiếp cận toàn diện hơn đối với các lĩnh vực nghề nghiệp trong ngành du lịch. Những yêu cầu và xu hướng mới đòi hỏi lực lượng lao động phải tự trau dồi, học hỏi và được bảo vệ. Trong đó, các khuyến nghị của quốc tế có ý nghĩa tham khảo quan trọng đối với việc đề xuất một số số giải pháp để thúc đẩy phát triển nhânh lực du lịch Việt Nam trong thời gian tới”, TS Nguyễn Anh Tuấn nói.
Vai trò của cơ sở đào tạo
TP Hồ Chí Minh có 140 nghìn lao động trực tiếp trong ngành du lịch, 15% có trình độ đại học, 50% trình độ cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, con số trên so với nhu cầu đang là vấn đề hết sức đau đầu của ngành du lịch thành phố trong tiến trình phục hồi sau dịch Covid-19.
Thống kê của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy, tỷ lệ lao động có chuyên môn về du lịch của ngành du lịch Việt Nam chiếm khoảng 42% tổng số lao động toàn ngành, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy.
Đáng nói, trong tổng số 42% lao động được đào tạo về du lịch thì chỉ có 10% lao động có trình độ đại học và sau đại học (chiếm 3,5%); 50% lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng (chiếm 20%); 40% còn lại là lao động được bồi dưỡng qua các lớp ngắn hạn. Khoảng 60% lao độngtrong lĩnh vực biết và sử dụng các ngoại ngữ khác nhau.
Nói về sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch Covid-19, PGS.TS Ngô Văn Hà - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng nhìn nhận: Đó là mối quan hệ không thể thiếu để xây dựng các giải pháp về hoàn thiện cơ chế liên kết đào tạo; nângng cao vai trò của doanh nghiệp và coi trọng đơn vị đào tạo nguồn nhân lực.
“Để ngành du lịch nhanh chóng có nguồn nhân lực du lịch tốt, đạt chuẩn trình độ trong và ngoài khu vực ASEAN, các cơ sở đào tạo phải coi doanh nghiệp là một khâu trọng yếu trong quá trình đào tạo. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần phải nhìn nhận vị thế và vai trò không thể thiếu của các trường đại học - cao đẳng - TCCN trong việc cung ứng nguồn lực cho mình. Chỉ khi có sự tôn trọng và song hành cùng với nhau trong đào tạo thì công tác dự báo, điều chỉnh khung chương trình đào tạo (giảm phần lý thuyết, tăng số tiết thực hành), ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên… để đảm bảo chất lượng đào tạo theo nhu cầu thị trường thời hậu Covid-19”, PGS.TS Ngô Văn Hà nhấn mạnh.
Hạn chế của nguồn nhân lực du lịch là do chương trình đào tạo tại nhiều trường còn chú trọng đến lý thuyết mà chưa có điều kiện tổ chức nâng cao thực hành. Vì vậy, để gia tăng chất lượng nguồn nhân lực du lịch, vai trò của các cơ sở đào tạo là không thể chối bỏ.
“Tuy nhiên, ngoài việc làm mới và tăng cường các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, doanh nghiệp du lịch thì các trường cần “bắt tay” thật chặt với doanh nghiệp từ xây dựng chương trình cho đến môi trường thực tập.
Song song hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, ngành du lịch địa phương cũng cần bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho người kinh doanh thương mại, tiểu thương tại các chợ, cộng đồng dân cư… Nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực tiềm năng đang học tập, rèn luyện tại trường đào tạo du lịch của thành phố để nhân lực thật sự chất lượng sau khi ra trường” - ThS Phùng Anh Kiên - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh nói.