Phần lớn các em được xếp vào lớp dạy bằng tiếng Ba Lan và chuẩn bị tham gia các kỳ thi học kỳ bằng tiếng Ba Lan. Cách tiếp cận trên đã vấp phải chỉ trích từ các chuyên gia giáo dục nước này.
Em ViktoriaCherevulia, 14 tuổi, người Ukraine dự kiến sẽ thi tuyển sinh THPT vào năm 2023 nhưng chiến tranh khiến em và gia đình đột ngột phải chuyển đến sống tại Ba Lan. Viktoria được đăng ký vào một trường THCS ở quốc gia mới, nơi bạn bè, thầy cô đều sử dụng ngôn ngữ mà cô bé không hiểu rõ.
Sau 1, 2 tháng làm quen, Viktoria có thể hiểu được những gì mọi người trên lớp nói nhưng chưa thể đọc và viết. Tuy nhiên, tuần tới, nữ sinh sẽ phải tham gia kỳ thi tuyển sinh THPT tại Ba Lan, vốn tổ chức sớm hơn Ukraine một năm.
Viktoria là một trong số hơn 7.100 học sinh tị nạn người Ukraine chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh THPT bằng tiếng Ba Lan. Kỳ thi cạnh tranh tương đối gay gắt bởi kết quả có ảnh hưởng quan trọng đến con đường học vấn của những đứa trẻ.
“Dạo này, cháu đang cố gắng học tập chăm chỉ, làm bài tập ở trường cũ và trường mới rồi gửi cho giáo viên chấm. Cháu cảm thấy lo lắng nhưng cũng mong rằng kỳ thi sẽ diễn ra tốt đẹp”, Viktoria bày tỏ.
Kỳ thi tuyển sinh THPT tại Ba Lan gồm ba môn Ngoại ngữ (thường là Tiếng Anh), Toán và Tiếng Ba Lan. Học sinh Ukraine phải tham gia kỳ thi giống với học sinh Ba Lan nhưng các em sẽ được hỗ trợ như đề thi được dịch sang tiếng Ukraine, tăng thời gian làm bài... Học sinh Ukraine được phép dùng từ điển hoặc có thông dịch viên hỗ trợ.
Tuy nhiên, kỳ thi đã vấp phải ý kiến phản đối từ các chuyên gia giáo dục. Đơn cử, đề thi môn Tiếng Ba Lan vẫn tập trung vào văn học Ba Lan, không phù hợp với kiến thức của học sinh Ukraine.
Ngoài ra, điểm số kỳ thi chỉ chiếm 50% tổng điểm. Số điểm còn lại phụ thuộc vào kết quả học tập, thành tích ngoại khóa của học sinh, những yêu cầu mà học sinh Ukraine khó có thể đáp ứng.
Đại diện Bộ Giáo dục Ba Lan khẳng định: Cách tiếp cận hiện tại là cần thiết vì việc tuyển sinh THPT cần dựa trên nguyên tắc bình đẳng và phổ cập. Trong tình hình hiện nay, không nên tạo điều kiện đầu vào đặc biệt cho học sinh tị nạn mà cần giúp các em vượt qua kỳ thi và khó khăn trước mắt.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, quy định của chính phủ là phi thực tế và không công bằng trong hoàn cảnh bất thường mà hàng nghìn học sinh Ukraine gặp phải.
Bà Zofia Grudzinska, chuyên gia giáo dục người Ba Lan, lo ngại trong kỳ thi này, học sinh Ukraine sẽ giành điểm thấp hơn do chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng dù nhiều em có năng lực và tố chất. Với kết quả kém, học sinh phải đăng ký vào trường chất lượng thấp hoặc học nghề.
Chuyên gia này đề nghị chính phủ nên xây dựng các trường học Ukraine lưu vong để trẻ em tị nạn có thể nối lại chương trình giáo dục dang dở mà không gặp phải xáo trộn. Ngoài ra, các trường học Ba Lan có thể cung cấp chương trình giảng dạy bằng tiếng Ukriane.
Chính phủ cũng cần hỗ trợ giáo viên Ba Lan khi tiếp nhận học sinh tị nạn vào lớp học, không nên đặt mọi trách nhiệm lên vai họ.