Giáo dục liêm chính

Phòng chống tội phạm công nghệ cao: Cuộc chiến không 'tiếng súng'

27/06/2024 10:04

Tội phạm công nghệ cao lợi dụng tâm lý muốn kiếm tiền nhanh của nhà đầu tư để 'giăng bẫy' lừa đảo. Hậu quả, nhiều nạn nhân sập bẫy, mất tiền tỷ...

“Sập bẫy” vì ham lợi nhuận

Với lời quảng cáo đầu tư sinh lời, lãi suất cao chị X (SN 1989, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) bị lừa hơn 1 tỷ đồng sau khi làm cộng tác viên online cho một hãng thời trang. Đây là vụ việc đang được Công an huyện Đông Anh điều tra làm rõ.

Trước đó (ngày 17/6), Công an huyện Đông Anh nhận được đơn trình báo của chị X. Chị cho biết, có nhận được lời mời làm cộng tác viên online. Cụ thể là làm nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng. Đổi lại, chị X. sẽ được hưởng “hoa hồng”.

Bị hấp dẫn bởi lời mời chào hấp dẫn, chị X đã chuyển gần 1,4 tỷ đồng, nhưng sau đó không rút được tiền. Lúc này chị mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Tương tự thủ đoạn lừa đảo trên, ngày 11/6 vừa qua, Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) tiếp nhận trình báo của chị N (SN 1981, trú tại huyện Đan Phượng, Hà Nội) về việc bị chiếm đoạt tài sản khi tham gia sàn giao dịch đầu tư tài chính online.

Chị N được các đối tượng gọi điện, mời tham gia đầu tư online. Chị được hướng dẫn lập tài khoản để nạp tiền vào sàn rồi nhận tiền lãi. Với quảng cáo lợi nhuận cao, chị N đã nạp gần 800 triệu đồng để đầu tư. Tuy nhiên, khi chị N. muốn rút tiền thì hệ thống báo lỗi không rút được. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, chị N đã đến cơ quan công an trình báo.

Công an TP Hà Nội nhận định, đây không phải thủ đoạn mới, nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác sập bẫy lừa đảo. Bởi vậy, người dân cần cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Lực lượng chức năng khám xét nơi ở của đối tượng lừa đảo trên không gian mạng.
Lực lượng chức năng khám xét nơi ở của đối tượng lừa đảo trên không gian mạng.

Tăng cường truy bắt

Quyết liệt đấu tranh với tội phạm, Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trần Anh Tuấn (SN 1989, ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó (ngày 9/3/2024), Công an huyện Ba Vì tiếp nhận đơn của anh Đ.N.N (SN 1987, ở huyện Ba Vì) tố cáo bị kẻ xấu lừa đảo.

Nguyên đơn tường trình, do có nhu cầu đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, ngày 30/1, thông qua người quen giới thiệu đã biết được tài khoản Zalo “Eishun”. Tài khoản này tự giới thiệu là người làm trong Công ty du lịch Land Tour Hoàn Vũ (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội), có khả năng lo thủ tục đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc.

Không chút nghi ngờ, từ ngày 31/1 đến 2/3, theo hướng dẫn của đối tượng, anh N đã chuyển khoản 180 triệu đồng để đặt mua vé máy bay, phí làm hộ chiếu, đổi tiền Hàn Quốc, “phí lót tay” cho chủ lao động Hàn Quốc… Sau đó, đối tượng đã chặn liên lạc với anh N.

Vào cuộc điều tra, công an còn phát hiện một số bị hại khác cũng “dính bẫy lừa” tương tự của đối tượng dùng Zalo “Eishun”. Tổng số tiền đối tượng lừa đảo chiếm đoạt được là gần 333 triệu đồng. Công an cũng xác định, đối tượng phạm tội là Trần Anh Tuấn. Tuy nhiên, người này đã bỏ trốn khỏi địa phương, không rõ nơi ở.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đầu tháng 6/2024, cơ quan điều tra đã xác định, triệu tập được Trần Anh Tuấn khi anh ta đang lẩn trốn tại địa bàn phường Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội).

Tại cơ quan công an, Trần Anh Tuấn khai nhận hành vi phạm tội. Tuấn không có nghề nghiệp ổn định. Do “bí” tiền nên đã nghĩ cách lừa đảo người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thông qua mạng xã hội.

Công an huyện Ba Vì đề nghị ai bị đối tượng có tài khoản Zalo “Eishun” lừa đảo với phương thức thủ đoạn nêu trên, liên hệ với Công an huyện Ba Vì để được hướng dẫn giải quyết theo quy định pháp luật.

Còn tại Bắc Giang, Công an huyện Lục Nam vừa bắt giữ, khởi tố hai bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên không gian mạng. Cụ thể, Nguyễn Hữu Dũng (SN 1994) và Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1997) cùng trú xã Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ, Thái Bình) mở văn phòng bán thiết bị định vị, ghi âm, nghe lén.

Trước đó, anh D.Q.Th (SN 1992, trú tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) có tìm kiếm trên Facebook rồi được tài khoản Zalo “Shop Công nghệ GPS 4.0” nhắn tin tư vấn về máy.

Nguyệt trực tiếp nhắn tin qua Zalo, sau đó gọi điện tư vấn cho anh Th. về tính năng của máy (định vị, ghi âm, nghe lén số điện thoại). Trong đó, 2 loại máy gồm: Loại có khả năng nghe lén được 5 số điện thoại có giá 1,9 triệu đồng, máy có khả năng nghe lén được 10 số điện thoại có giá là 2,9 triệu đồng.

Sau khi được tư vấn, anh Th đồng ý mua thiết bị với giá 2,9 triệu đồng. Nguyệt gửi máy cho anh Th qua nhân viên giao hàng của Viettel Post. Khi nhận hàng, anh Th đã chuyển khoản cho nhân viên để thanh toán số tiền 2,9 triệu đồng.

Đồng thời, liên lạc với Nguyệt qua tài khoản Zalo “Shop Công nghệ GPS 4.0” và được hướng dẫn cài đặt nhưng không sử dụng được. Anh Th nhiều lần liên lạc với tài khoản “Shop Công nghệ GPS 4.0” để đòi lại tiền nhưng không được và bị Nguyệt chặn Zalo.

Qua rà soát các đơn hàng của Viettel Post gửi thì Nguyệt và Dũng đã gửi bán khoảng 5.000 đơn hàng bán thiết bị định vị, nghe lén với giá trị khoảng 8 tỷ đồng, trong đó có một số mã đơn hàng bị khách trả lại.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Dũng và Nguyễn Thị Nguyệt, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hữu Dũng, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Nguyệt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang đánh giá tình trạng tội phạm công nghệ cao lợi dụng hoạt động mua, bán đồng tiền điện tử kỹ thuật số để luân chuyển dòng tiền do phạm tội (lừa đảo, đánh bạc, rửa tiền...) diễn ra phổ biến, khó kiểm soát.

Hoạt động này là một kênh giao dịch ẩn danh, phức tạp. Hiện nay chưa có hành lang pháp lý quy định về quản lý tiền điện tử kỹ thuật số. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra xác minh, truy vết dòng tiền của tội phạm công nghệ cao.

Công an Bắc Giang cho biết, thời gian tới đẩy mạnh, tăng cường giăng những “mắt thần” trên không gian mạng để đấu tranh với tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Đồng thời đề nghị các địa phương, đơn vị quan tâm tuyên truyền, giúp người dân nâng cao cảnh giác, không bị đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an TP Hà Nội lưu ý, khi làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Đồng thời, cảnh giác khi tham gia vào các sàn, app đầu tư tài chính được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng chống tội phạm công nghệ cao: Cuộc chiến không 'tiếng súng'