Anh P.Q. (giáo viên dạy IELTS, đồng thời là chủ một trung tâm tiếng Anh tại Hà Giang) cho biết khi tìm hiểu trung tâm tiếng Anh, đa phần phụ huynh thường quan tâm chi phí, chất lượng đào tạo và cam kết đầu ra.
Tuy nhiên, anh Q. thừa nhận điểm IELTS của giáo viên cao là yếu tố thu hút học viên và phụ huynh. Theo đó, phụ huynh cho con theo học tại trung tâm của anh thường không quá quan tâm đến bằng cấp, chứng chỉ sư phạm của giáo viên. Hầu hết, họ chỉ quan tâm giáo viên có IELTS cao và đã dạy lâu năm thay vì những thứ khác.
Vì vậy, khi đăng ký học IELTS, họ thường yêu cầu chính Q. hoặc một giáo viên khác cũng đạt 8.0 IELTS là người dạy.
Q. cho biết khi tìm hiểu trung tâm, nhiều phụ huynh chú ý đến chứng chỉ IELTS 8.0 của anh. Ảnh: NVCC. |
“Tại nơi tôi mở trung tâm, nhiều người không hiểu bản chất của IELTS. Vì vậy, họ thường nhìn vào mức điểm, danh tiếng, sự uy tín của trung tâm và người dạy", anh Q. cho biết.
Theo anh Q., phụ huynh có tâm lý thích và tin tưởng giáo viên có IELTS cao là bình thường, bởi ai cũng muốn con theo học người giỏi chuyên môn. IELTS cao là bề nổi nên phụ huynh dễ chú trọng nhất.
Tuy nhiên, nếu phụ huynh chỉ chú tâm vào IELTS, anh nhận định không ít các vấn đề tiêu cực sẽ xuất hiện như các trung tâm mở ra tràn lan, người dạy chỉ có IELTS mà không có nghiệp vụ sư phạm, thậm chí có trung tâm làm giả điểm cho giáo viên và lấy điểm đó để quảng cáo.
“Để đảm bảo chất lượng, mọi giáo viên ở trung tâm tiếng Anh cần đạt yêu cầu về trình độ sư phạm, nếu là giáo viên dạy IELTS phải có IELTS 7.5 trở lên. Bằng cấp của giáo viên nên để công khai cho phụ huynh thấy. Khi tìm hiểu trung tâm, phụ huynh cũng nên chú trọng thêm các yếu tố trên", Q. nói.
Cũng giống như anh Q., anh L.D. (giáo viên dạy IELTS tại Hà Nội) từng có gần 10 năm học tập tại Mỹ. Vì vậy, khi về Việt Nam dạy học, với chứng chỉ IELTS 7.5 - một số điểm khá cao ở thời điểm 5 năm trước - anh được phụ huynh tin tưởng gửi gắm.
D. cho hay thực tế, nhiều phụ huynh không hiểu bản chất của IELTS. Họ chỉ biết IELTS là một bài thi đo lường khả năng sử dụng tiếng Anh, cho rằng người có điểm IELTS càng cao, tiếng Anh sẽ càng giỏi. Vì vậy, họ coi điểm số của giáo viên là yếu tố quyết định cho con theo học.
Tuy nhiên, anh D. nhận định IELTS cao không phải là tất cả. Thầy giáo này cho rằng người dạy IELTS tốt phải đảm bảo cả kiến thức đa lĩnh vực và khả năng sư phạm để truyền đạt, chuyển hóa kiến thức cho học viên.
Nếu phụ huynh chỉ “chăm chăm” vào điểm IELTS của giáo viên, hệ lụy xấu dễ xảy đến.
“Một số người không có kiến thức nền mà chỉ học mẹo để lấy điểm IELTS cao, thậm chí, có nhiều trường hợp làm giả bảng điểm IELTS để thu hút học sinh, cung cấp các khóa học không đảm bảo chất lượng nhằm lấy tiền phụ huynh”, anh nhắc lại một số trường hợp trước đây giáo viên làm giả bảng điểm, nổi tiếng là vụ Trung tâm IELTS Tuấn Quỳnh ở TP.HCM.
Năm 2019, nữ giáo viên Q. thuộc trung tâm này bị phát hiện khai khống điểm IELTS của mình từ 6.5 lên 8.0 để thu hút học viên. Thực tế, khi tra bảng điểm, cộng đồng mạng đã phát hiện giáo viên này thi cả 7 lần trong năm 2019 chỉ đạt mức 6.5-7.0.
Đặc biệt, cô Q. đã chỉnh sửa hình bảng điểm thi ngày 26/10/2019 lên ngưỡng 7.5 Writing và 8.0 Speaking, dù điểm thi thực tế ngày hôm đó chỉ ở ngưỡng 6.5.
Qua sự việc trên, anh D. nhấn mạnh tư tưởng chọn giáo viên chỉ chú trọng điểm IELTS sẽ tác động xấu tới chính người học. Học viên, nhất là những bạn trẻ, dễ bị tiêm nhiễm kiểu học đối phó, học “mẹo”. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kiến thức mà còn dễ khiến các em tư duy lệch lạc về việc học IELTS.
Vì vậy, anh D. khuyên phụ huynh nên hạn chế việc coi điểm IELTS là tiêu chí chọn giáo viên/trung tâm. Điều này có thể gây tác động ngược lại chất lượng học tập của chính con em họ.