Văn hóa

Phục dựng nghi lễ thả cá ở dòng sông cổ và dựng cây nêu đón Tết tại Hoàng thành Thăng Long

Thanh Sơn 02/02/2024 18:39

(GDTĐ) - Ngày 2/2 (tức 23 tháng Chạp năm Quý Mão) trong tiết trời se lạnh và mù sương, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội đã tổ chức các nghi lễ dâng hương, thả cá chép trên dòng sông cổ, dựng cây nêu đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

anh-hoang-thanh-1.jpg
Các đại biểu dâng hương tại điện Kính Thiên.

Nghi lễ dựng cây nêu, thả cá chép ở dòng sông cổ tại Hoàng thành Thăng Long là hoạt động mở đầu trong chuỗi chương trình Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại Hoàng thành Thăng Long. Chương trình nhằm phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long xưa, giới thiệu tới người dân và du khách không khí chuẩn bị đón Tết và những tập tục Tết cổ truyền.

anh-hoang-thanh-2.jpg
Thực hiện nghi thức mang cá ra thả dòng sông cổ.

Sau nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên, các đại biểu, khách mời và đoàn rước cá thả xuống dòng sông cổ. Theo tài liệu của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Tết Nguyên đán xưa bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp trong năm cũ và kết thúc vào ngày mùng 7 tháng Giêng của năm mới. Trong cung đình có nhiều nghi lễ mừng năm mới độc đáo, trong đó mở đầu là lễ cúng ông Công ông Táo. Nhiều năm nay, để tái hiện các nghi lễ cung đình, Trung tâm đã tổ chức lễ dâng hương, sau đó đoàn nghi lễ cùng chủ tế đưa cá chép ra dòng sông cổ, được phát hiện trong thời gian khai quật khảo cổ ở Hoàng thành thực hiện nghi lễ phóng sinh cá chép.

anh-hoang-thanh-4.jpg
Thực hiện nghi thức thả cá xuống dòng sông cổ.

Nghi thức thả cá chép xuống dòng sông vừa mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời, vừa mang nghĩa phóng sinh, cầu an. Hoạt động này được tổ chức nhiều năm nay, trở thành truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long. Năm nay, dù thời tiết sương mù dày đặc nhưng nghi thức thả cá chép vẫn diễn ra trong sự hoan hỉ của các đại biểu và du khách. Một trong những nghi lễ quan trọng được mọi người chờ đợi nhất là dựng cây nêu tại không gian trước Đoan Môn. Trong thời kỳ phong kiến, đích thân nhà vua, hoặc một vị quan có phẩm hàm cao được giao nhiệm vụ này.

anh-hoang-thanh-5.jpg
Dựng cây nêu.

Sau khi thả cá, các đại biểu cùng đoàn rước đến làm lễ, dựng cây nêu trước Hoàng thành Thăng Long. Đây cũng là nghi lễ cổ, được phục dựng sạu thời gian phối hợp nghiên cứu bởi Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Hội Di sản văn hóa Thăng Long.

Tre được chọn dựng cây nêu là cây tre đực, đã chặt hết các cành, chỉ để lại ngọn và lá phía trên. Ngọn cây được treo một chiếc phướn dài. Trên ngọn còn có một vòng tròn nhỏ, được treo những chiếc khánh đất, hay linh vật, để khi gió thổi, sẽ va đập và kêu leng keng trong gió với ý nghĩa trừ ma quỷ, mong ước một mùa xuân tươi vui, cả năm an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Sau các nghi thức tế lễ trời đất, cây nêu được dựng lên trong không khí phấn khởi của mọi người.

Đáng chú ý, trong lễ dựng cây nêu năm nay cùng với các đại biểu, người dân Thủ đô cùng du khách thập phương đã có rất đông khách du lịch quốc tế cùng tham gia buộc khánh đất để treo vào cây nêu và cùng chung tay dựng cây nêu, những hình ảnh đó càng làm cho các nghi lễ dựng cây nêu thêm ý nghĩa, giúp cho du khách quốc tế hiểu hơn về Văn hóa Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, góp phần tạo nên sự hấp dẫn về văn hoá, phong tục và con người nơi đây.

Bài liên quan
Chủ tịch nước và phu nhân dâng hương, thả cá chép ở Bến Nhà Rồng
Sáng nay (2/2), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng kiều bào tiêu biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương và thả cá chép tại Bến Nhà Rồng trong khuôn khổ chương trình Xuân quê hương 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phục dựng nghi lễ thả cá ở dòng sông cổ và dựng cây nêu đón Tết tại Hoàng thành Thăng Long