Phục hồi chức năng khớp cổ tay bằng… trò chơi

Chi Mai | 13/06/2022, 06:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hệ thống thiết bị tương tác tập luyện khớp cổ tay, do TS Phan Gia Hoàng (Đại học Bách khoa TPHCM) nghiên cứu, giúp hỗ trợ phục hồi chức năng sau đột quỵ hay tai nạn.

Cấu tạo của thiết bị giúp hỗ trợ phục hồi chức năng sau đột quỵ hay tai nạn.

Vận động thông qua trò chơi

TS Phan Gia Hoàng cho biết, nhóm đã áp dụng công nghệ robotics để tạo ra sản phẩm. Thiết bị sẽ cung cấp các bài tập phục hồi chức năng đa dạng dưới hình thức trò chơi tương tác, giúp cho bệnh nhân thích thú tập luyện. Ngoài ra, thiết bị cũng có chế độ giúp bệnh nhân dùng tay bình thường tập cho tay bị đột quỵ, mang lại cảm giác vận động tốt hơn cho bệnh nhân, từ đó giúp kết quả hồi phục tốt hơn.

Thông qua thiết bị, nhóm chuyên gia tại Đại học Bách khoa TPHCM đã thiết kế được tổng cộng 6 trò chơi phục hồi chức năng (gập, duỗi, quay sấp, quay ngửa và hai bài kết hợp cả hai chuyển động) hiệu quả cao với chương trình đa chức năng 3D, phù hợp với khả năng thích ứng của từng bệnh nhân, giúp tăng động cơ tập luyện của bệnh nhân.

Điều này cho phép bệnh nhân chủ động tập luyện thông qua các trò chơi một cách dễ dàng và thú vị hơn.

Ở mỗi trò chơi sẽ có 6 cấp độ (mức độ) để bệnh nhân tương tác, trong đó mức độ 0 sẽ không có trở lực từ động cơ, tức là việc sử dụng lực để điều khiển các khớp cổ tay ở mức nhỏ nhất. Hay nói cách khác, ở các mức độ (khó) khác nhau thì trở lực do động cơ tạo ra sẽ thay đổi khi tăng mức độ (khó) của từng bài luyện tập.

TS Phan Gia Hoàng cho biết, cụm điều khiển được thiết kế hoàn toàn dựa trên cơ sở y học và đặc tính chuyển động của khớp cổ tay và cẳng tay. Theo đó, hai chuyển động này là chuyển động xoay, hoàn toàn độc lập và trục của khớp xoay vuông góc với nhau. Phần cơ khí có 2 bậc tự do phù hợp với chuyển động gập - duỗi của cổ tay và xoay cẳng tay.

Ngoài ra, thiết bị có 2 chế độ sử dụng. Đầu tiên là cho phép bệnh nhân tự tập thông qua thiết bị: Người bệnh dùng một tay đang hoạt động bình thường tập cho tay đang bị yếu, liệt.

Khi đó, tay bình thường di chuyển thế nào thì tay bị tật thông qua thiết bị hỗ trợ sẽ di chuyển y như vậy. Bằng cách này sẽ giúp cho người bệnh nhanh có cảm giác lấy lại vận động hơn do người bệnh đã có khái niệm sử dụng tay từ trước.

Tiếp theo là hỗ trợ người bệnh tập một cách độc lập mà không cần dùng tay còn lại: Thiết bị được lập trình, giúp người bệnh tự tập với nhiều bài tập khác nhau, từ thấp đến cao, bài tập được đưa ra dưới dạng trò chơi.

Hệ thống giải pháp hoàn chỉnh của nhóm đã được thực nghiệm trên nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Gia An 115 (quận Bình Tân, TPHCM).

Thời gian sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển bộ phần cứng và phần mềm cho thiết bị lên mức 3 bậc tự do để hỗ trợ uyển chuyển hơn các hoạt động chuyển động của khớp cổ tay, đồng thời kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM và các sở, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện để nhóm có thể hoàn thiện, thử nghiệm lâm sàng trên nhiều bệnh nhân hơn nữa.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/phuc-hoi-chuc-nang-khop-co-tay-bang-tro-choi-KWFsMq97g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/phuc-hoi-chuc-nang-khop-co-tay-bang-tro-choi-KWFsMq97g.html
Bài liên quan
Ghép sụn khớp nhân tạo cho vận động viên bóng đá
(GDTĐ) - Sau khi tiến hành thăm khám, trên phim MRI, các bác sĩ phát hiện, sụn khớp lồi cầu trong của bệnh nhân bị khuyết kèm theo có mảnh sụn vỡ ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phục hồi chức năng khớp cổ tay bằng… trò chơi