Quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm: Bảo đảm minh bạch, không tiêu cực

Hải Bình | 07/06/2022, 13:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên, học sinh.

Ảnh minh họa/INTẢnh minh họa/INT

Việc một bộ phận giáo viên ép buộc, lôi kéo học sinh học thêm cần lên án, nhưng không thể đánh đồng tất cả giáo viên. Cử tri đề nghị đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GD&ĐT nên xây dựng quy định cụ thể và giao trách nhiệm quản lý xuống từng địa phương, thậm chí từng trường học. Địa phương phải có trách nhiệm giám sát và xử lý kịp thời trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo.

Bộ GD&ĐT đồng tình với ý kiến của cử tri, vấn đề dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế và chính đáng của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, việc giáo viên ép buộc, lôi kéo học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm nguyên tắc dạy thêm, học thêm.

Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT đã quy định rõ trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, bao gồm: Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, sở GD&ĐT, UBND cấp huyện, phòng GD&ĐT; trách nhiệm của hiệu trưởng và thủ trưởng các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; thanh tra, kiểm tra; xử lý vi phạm.

Sau khi Luật sửa đổi Luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số Điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14) tại Thông tư số 17 không còn hiệu lực. Tuy nhiên, các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm; các trường hợp không được dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.

Căn cứ vào quy định vẫn còn hiệu lực của Thông tư số 17, các địa phương cần tiếp tục có biện pháp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm bảo đảm minh bạch, không tiêu cực, không sai quy định của Thông tư. Trên thực tế, nhiều địa phương căn cứ vào các điều còn hiệu lực của Thông tư số 17 đã ban hành văn bản quy định việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương có hiệu quả, đặc biệt là hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường thì phải thực hiện theo Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới Bộ GD&Đ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi hoạt động dạy thêm, học thêm được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm: Bảo đảm minh bạch, không tiêu cực