Quan sát cực điểm mưa sao băng Orionids cuối tuần này

VACA | 18/10/2023, 19:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Orionids là mưa sao băng diễn ra trong toàn bộ tháng 10 này tới tận đầu tháng 11 và có thể quan sát được từ mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, thời điểm phù hợp nhất để bạn quan sát nó sẽ là khoảng thời gian cực điểm từ 21 tới 22 tháng này.

Năm nay, việc quan sát sẽ tương đối thuận lợi nếu như không có biến động về thời tiết, bởi ánh Mặt Trăng sẽ lặn sớm và bầu trời sau lúc nửa đêm sẽ không bị ánh Trăng làm lóa. Như mọi trận mưa sao băng khác, người quan sát không cần sự hỗ trợ của bất cứ dụng cụ đặc biệt nào để quan sát hiện tượng này, chỉ cần một bầu trời đủ trong, một vị trí quan sát an toàn, và một chút kiên nhẫn.

Bạn có thể xác định chòm sao Orion khá dễ dàng như hình ảnh sau. Nổi bật nhất của nó là ba ngôi sao thẳng hàng và cách đều nhau tạo thành cái thắt lưng của Orion, ngoài ra hai sao Rigel và Betelgeuse là hai sao rất sáng rất dễ để bạn xác định được. Khu vực trung tâm của mưa sao băng Orionids cũng đã được đánh dấu trong hình.

Các lưu ý khác

  • Vào lúc cực điểm, mưa sao băng Orionids thường cho phép người quan sát nhìn thấy từ 20 tới 30 sao băng mỗi giờ với điều kiện tương đối lý tưởng (như vậy, ngày nay đây chỉ là một mưa sao băng loại trung bình).
  • Hãy chọn nơi có góc nhìn rộng, ít ô nhiễm và không có ánh đèn chiếu thẳng vào mắt (chẳng hạn nếu phía trên đầu bạn là một cột đèn thì khi ngẩng đầu lên bạn sẽ chỉ thấy ánh sáng của nó và không thấy sao nào cả. Ánh sáng mạnh từ các nhà cao tầng hay công trình xây dựng cũng vậy).
  • Bạn cần đặc biệt theo dõi thời tiết trước khi quan sát bởi nếu có mây thì bạn sẽ không có cơ hội quan sát được sao băng. Để tự kiểm tra, ngoài việc xem dự báo thời tiết, vào đêm cực điểm bạn có thể tự kiểm tra bằng cách xác định chòm sao Orion như hướng dẫn trên. Hãy nhìn lên bầu trời phía Đông tập trung quan sát khoảng 5 đến 10 phút để mắt của bạn quan với bóng tối. Khi đó nếu bạn thấy được chòm sao Orion thì tức là bạn có cơ hội thấy được sao băng, nếu không thì khả năng có thể quan sát sao băng của bạn khá thấp, nếu bạn thấy rõ mây che phủ thì tốt nhất nên từ bỏ ý định đợi sao băng.
  • Hiện tượng này có thể quan sát tại bất cứ đâu trên thế giới, không riêng tại Việt Nam hay bất cứ tỉnh thành nào. Bạn không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào mà chỉ cần một góc nhìn tốt và nếu có thể nên chuẩn bị một chiếc ghế dài để ngả lưng - như vậy bạn có thể luôn hướng mắt lên bầu trời, vì quan sát mưa sao băng đòi hỏi một chút kiên nhẫn.
  • Cuối cùng, đừng quên chú ý bảo vệ sức khoẻ và an toàn cá nhân của bạn khi ở ngoài trời vào ban đêm.

Một hiện tượng thiên văn đang chú ý khác sắp diễn ra là nguyệt thực một phần vào rạng sáng 29/10. VACA sẽ có hướng dẫn sớm về việc quan sát hiện tượng này.

VACA

Theo thienvanvietnam.org
https://thienvanvietnam.org/index.php?option=com_content&view=article&id=2331:quan-sat-c-c-di-m-mua-sao-bang-orionids-cu-i-tu-n-nay&catid=27&Itemid=135
Copy Link
https://thienvanvietnam.org/index.php?option=com_content&view=article&id=2331:quan-sat-c-c-di-m-mua-sao-bang-orionids-cu-i-tu-n-nay&catid=27&Itemid=135
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan sát cực điểm mưa sao băng Orionids cuối tuần này