Mưa sao băng Perseids - mưa sao băng được coi là lớn nhất hàng năm - sẽ đạt cực điểm vào gần giữa tháng 8 này. Mặc dù ánh Trăng sẽ cản trở phần nào việc theo dõi của bạn, đây vẫn là hiện tượng đáng chú ý nếu thời tiết thuận lợi.
Mưa sao băngPerseids là hiện tượng diễn ra vào tháng 8 hàng năm với cực điểm rơi vào khoảng đêm 12, rạng sáng 13. Các sao băng của nó là những mảnh vụn còn sót lại khi sao chổi 109P/Swift-Tuttle tiến về phía Mặt Trời. Lần cuối sao chổi này tới gần Mặt Trời và cắt qua quĩ đạo của Trái Đất là năm 1992 và lần tiếp theo sẽ là năm 2026.
Nhiều năm qua, Perseids là hiện tượng đáng chú ý đối với người yêu thích quan sát bầu trời đêm, một trong hai mưa sao băng lớn nhất trong năm cùng với Geminids.
Cách đây 8 năm, vào tháng 8 năm 2016, Perseids đã có một vụ bùng nổ sao băng với số lượng được quan sát rất lớn.
Năm nay, sẽ không có vụ bùng nổ nào cả nhưng đây vẫn là một hiện tượng rất đáng chú ý. Thời gian cực điểm này trùng vời khoảng thời gian Mặt Trăng vừa vượt qua pha bán nguyệt nên ánh sáng của nó sẽ cản trở phần nào việc quan sát, tuy vậy bạn vẫn có thể thấy nhiều sao băng nếu thời tiết thuận lợi và điều kiện quan sát tốt. Vào đêm cực điểm, với góc nhìn thuận lợi và thời tiết lý tưởng, bạn có thể quan sát thấy khoảng 60 tới 100 sao băng mỗi giờ.
Khoảng thời gian phù hợp nhất để quan sát mưa sao băng là vào các đêm lân cận cực điểm của nó. Đối với Perseids thời điểm đó là rạng sáng các ngày 12, 13 và 14 tháng 8. Trong đó rạng sáng ngày 13 năm nay sẽ là lúc gần cực điểm nhất. Bạn có thể quan sát hiện tượng này cả đêm, nhất là sau lúc nửa đêm, tuy nhiên lý tưởng nhất sẽ là từ sau 2h sáng, vì khi đó chòm sao Perseus đã lên đủ cao.
Vào rạng sáng các ngày nêu trên, hãy nhìn về bầu trời phía Đông Bắc và tìm chòm sao Perseus. Chòm sao này có lẽ không dễ xác định đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó đơn giản nhất là bạn chỉ cần nhìn lên bầu trời Đông Bắc với góc nhìn tính từ mặt đất từ 30 đến 50 độ. Tất nhiên, đừng quên rằng nếu trời có mây mù hoặc mưa thì bạn sẽ chẳng thấy gì cả và tất nhiên cũng không có sao băng.
Trong hình dưới đây bạn có thể thấy được hình dạng của chòm sao Perseus.