Ra mắt cuốn sách “Bên bờ nước”

Giang Giang | 21/02/2022, 20:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - ​Ngày 20/2, tại Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt cuốn sách “Bên bờ nước” của tác giả Đỗ Cao Sang.

Ông cũng là tác giả của cuốn thơ sử Việt Nam “Lịch sử thú vị hơn em tưởng” được rất nhiều độc giả ưa thích. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông về những sáng tác của mình.

PV: Ông có thể chia sẻ đôi điều về cuốn sách “Bên bờ nước”?

Tác giả Đỗ Cao Sang: “Bên bờ nước” là cuốn sách tổng hợp cả văn chương, lịch sử, triết học… Cuốn sách được viết theo lối remix (phối lại). Phần đầu của sách dựa vào Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am, một trong 4 tác phẩm văn học Trung Quốc kinh điển nhất. Chương đầu chỉ làm cho người đọc tìm ra khí chất của Thủy Hử.

Ba phần còn lại của sách là các dòng chính trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Các phần này trình bày thế giới quan phổ biến đã và đang thịnh hành từ bán đảo Ả Rập đến châu Âu, Đông Á, thổ dân châu Phi.

z3200368719454_d9e692be78ae1e2cd2c8a80d5059d360.jpg
Tác giả Đỗ Cao Sang.

Các bạn trẻ sẽ được tìm hiểu gián tiếp mọi luồng tư duy để mở rộng nhãn kiến ra thế giới. Đọc cuốn sách giống như ta đi vào rừng hoa và mỗi bông hoa lại có vẻ đẹp khác nhau. Có thể mỗi người đọc sẽ thích một loài hoa khác nhau và tôi là người mang rừng hoa đó đến cho người đọc qua ngôn ngữ của văn chương. Cuốn sách giới thiệu bằng ngôn ngữ của tiểu thuyết thơ, nhưng không có chương, hồi, mục khiến bạn đọc tiếp nhận được nhẹ nhàng hơn. Ví dụ tôi giới thiệu tư tưởng của Osho, Khổng Tử, Lão Tử… bằng thơ nhưng không ghi rõ vào sách mà để cho bạn đọc tự cảm thụ.

PV: Tại sao ông lấy tên cuốn sách của mình là “Bên bờ nước”?

Tác giả Đỗ Cao Sang: Vì nó gây tò mò. Thêm nữa là nó phản ánh sự khiêm nhường. Cuốn sách phản ánh những tư tưởng triết học, lịch sử sâu xa nhưng nếu dùng một tiêu đề cao siêu thì sẽ trở thành khoa trương. Cái nội dung bên trong quý giá thì vỏ bên ngoài đơn giản để người đọc cảm thấy sự mông lung, tò mò.

Nếu để ý người đọc cũng có thể thấy rằng “Bên bờ nước” chính là “Thủy hử” bằng tiếng Việt. Khi tác giả Thi Nại Am đặt tên Thủy hử là có ý rằng đây là những câu chuyện tầm phào, vớ vẩn, đừng coi nó là linh thiêng, to tát mà chỉ có tính giải trí thôi, mấy chuyện tán phét của các bà ngồi bên bờ nước. Anh hùng hảo hán hay cao thủ trên đời cũng chỉ là bên bờ nước thôi, đừng tâng bốc ai quá đáng.

z3200370127013_e9c27b200a7c197d868f822aa8ad7847.jpg
Tác giả Đỗ Cao Sang ký tặng sách cho độc giả.

PV: Tại sao ông lại chọn Thủy hử trong rất nhiều tác phẩm văn chương của thế giới?

Tác giả Đỗ Cao Sang: Ở đây chủ yếu là do cơ duyên. Thực ra ngày xưa tôi tiếp xúc với "Thủy hử" từ nhỏ. Sau này tôi mới cắt nghĩa được tại sao mình thích đến vậy. Thì ra cuốn sách đã khéo léo tác động vào phần gốc rễ, khơi dậy bản năng của con người. Đó là bản năng sống, bản năng chống đối, bản năng phá phách, chống đối trước bất công, bạo tàn, dơ dáy. Khi chọn lọc viết lại thành thơ những tình tiết chính, tôi muốn đưa người đọc thấy được phong thái của tác phẩm. Thế hệ trẻ ngày nay có thể một số em thấy cuốn sách quá đồ sộ mà ngại đọc thì có thể đọc “Bên bờ nước” và quay ra tìm đọc “Thủy hử”.

PV: Tại sao lại là “Thủy hử” mà không phải là một tác phẩm của Việt Nam, thưa ông?

Tác giả Đỗ Cao Sang: Trong văn học, người ta không phân biệt trong ngoài mà chỉ phân biệt hay hay không hay. Người đọc mê một tác phẩm không phải vì nó là tác phẩm của nước nào. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng vốn từ một chuyện của Trung Quốc nhưng rõ ràng là một tác phẩm Việt Nam. Người dân toàn thế giới đều nghe nhạc Beethoven, Mozart... Văn hóa có điểm hay là phi tuyến tính, phi biên giới.

PV: Được biết, ông vốn là thầy giáo của Học viện Khoa học quân sự. Thời gian làm quân ngũ đã ảnh hưởng như thế nào đối với suy nghĩ, tầm nhìn của ông?

Tác giả Đỗ Cao Sang: Quân ngũ dạy cho tôi tính kỷ luật, tính nhẫn nại, đồng thời cho tôi cơ hội đi Mỹ, Australia. Các chuyến đi này giúp tôi mở mang tầm mắt, tôi vừa hiểu được văn hóa của quân đội Việt Nam vừa học được văn hóa của các nước, hiểu đa chiều về văn hóa. Trong hai cuốn sách của tôi đều là những góc nhìn đa chiều. Ví dụ, tôi nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay Nguyễn Chí Thanh… đều là những vị tướng có tầm nhìn xa. Họ đều là những người học rộng, có hiểu biết văn hóa dân tộc sâu sắc.

PV: Mong muốn của ông khi xuất bản hai cuốn sách “Bên bờ nước” là gì?

Tác giả Đỗ Cao Sang: Tôi làm cho vui, thỏa mãn ý nguyện chia sẻ những gì mình biết, mình có. Vì thế tôi cũng mong độc giả thấy hay, vui với những cuốn sách này, đỡ sa đà vào những thú tiêu khiển gây hại.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Bài liên quan
Ra mắt sách “Phương pháp học tiếng Anh giao tiếp cho người mới bắt đầu”
(GDTĐ) - Trung tâm Anh ngữ Langmaster đã cho ra mắt cuốn sách “Phương pháp học tiếng Anh giao tiếp cho người mới bắt đầu”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ra mắt cuốn sách “Bên bờ nước”