Thứ ba, thiếu cân bằng giữa các nhiệm vụ, giải pháp với nguồn lực cần thiết để thực hiện. Các đề án thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam nói chung, nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói riêng, bao giờ cũng có một hệ thống giải pháp đầy đủ trên cơ sở tiếp thu ý kiến mọi bên có liên quan, đồng thời quy định về nguồn kinh phí.
Nhưng quy định này chỉ chung nhất, với mệnh đề như “Kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ nguồn ngân sách Nhà nước, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn xã hội hóa và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định pháp luật hiện hành”. Đây là nguồn kinh phí không rõ ràng, cụ thể, không thể đáp ứng được yêu cầu hoàn thành khối lượng nhiệm vụ nhiều, toàn diện. Điều đó kéo theo việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đến đâu hay đó.
Thứ tư, thiếu cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa các bộ, ngành trong quản lý Nhà nước về giáo dục nói chung, nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói riêng.
Mặc dù, các văn bản chỉ đạo luôn có sự phân công về tổ chức thực hiện giữa các bộ, ngành, nhưng thực tế triển khai, ngành Giáo dục thường rơi vào thế đơn độc. Như đã chỉ ra trong Báo cáo Việt Nam 2035 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2016), Việt Nam đã đẩy mạnh phân công, phân cấp trong quản lý Nhà nước về giáo dục nhưng do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực đi đôi với trách nhiệm giải trình không rõ ràng nên hậu quả hiện nay là cấu trúc Nhà nước cát cứ và manh mún.
Sự phân mảnh quyền lực theo chiều ngang giữa các cơ quan Trung ương với nhau và theo chiều dọc giữa Trung ương, địa phương dẫn tới tình trạng chồng lấn về thẩm quyền, xung đột lợi ích. Thay vào đó là cơ chế phối hợp mang tính hình thức, lợi ích ngành chi phối tư duy và hành động. Cơ chế giải trình về trách nhiệm của các bộ, ngành trong quan hệ phối hợp cùng chế tài xử lý vi phạm công tác phối hợp quản lý và triển khai, nâng cao chất lượng giáo dục đại học còn thiếu.
Thứ năm, cơ chế giám sát, đánh giá còn mang tính hình thức, nặng về báo cáo thành tích và lạc hậu về phương pháp.
Cơ chế này bấy lâu nay thực hiện trong ngành Giáo dục nước ta thông qua phương thức báo cáo từ dưới lên, với nội dung tập trung chủ yếu vào đánh giá các yếu tố đầu vào cùng tuân thủ quy định ban hành từ trên xuống.
Hạn chế này của công tác giám sát, đánh giá dẫn đến tình trạng ngành Giáo dục không có câu trả lời thuyết phục trước công luận về rào cản trong tiến trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học; đặc biệt là bất cập trong tổ chức thực hiện. Đáng quan tâm là nó không cung cấp được các thông tin tin cậy, kịp thời để phục vụ việc nhận dạng yếu kém, chỉ ra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm, để từ đó có giải pháp hữu hiệu trong việc rút ngắn khoảng cách.
Sinh viên Trường Đại học Phenikaa trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC |
- Trước những vấn đề đưa ra ở trên, theo ông lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng giáo dục đại học là gì?
- Việt Nam đã hình thành các thế hệ chính sách và giải pháp trong việc tìm lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng giáo dục đại học; từ giải pháp riêng lẻ về phát huy tự chủ đại học, đẩy mạnh bảo đảm và kiểm định chất lượng… đến giải pháp toàn hệ thống như Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020; hoặc Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025.
Vì vậy, vấn đề với Việt Nam không phải là đề xuất chính sách, giải pháp vượt qua rào cản trên con đường nâng cao chất lượng giáo dục đại học, mà là đề xuất về chính sách, cách thức để tháo nút thắt trong tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Trên cơ sở nhận dạng các nút thắt này, xin đề xuất một số khuyến nghị cần được triển khai ngay như sau:
Đối với Quốc hội: Tiến hành rà soát hệ thống văn bản pháp luật, phát hiện các quy định pháp lý chồng chéo, không đồng bộ, thiếu nhất quán, thậm chí xung đột nhau giữa Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi, bổ sung năm 2018) với các luật khác có liên quan; tổ chức chỉnh lý, bổ sung, sớm ban hành khung pháp lý nhất quán, minh bạch, rõ ràng, thông thoáng để các cơ sở giáo dục đại học tự tin đổi mới sáng tạo trong phát huy quyền tự chủ đại học để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá dựa trên kết quả đầu ra để bảo đảm các văn bản pháp quy về giáo dục được thực hiện hiệu lực và hiệu quả.
Về vấn đề này, vận dụng kinh nghiệm quốc tế và thực hiện cải cách hành chính theo tinh thần chuyển giao công việc mà cơ quan hành chính Nhà nước không nên làm hoặc làm hiệu quả thấp cho các tổ chức xã hội đảm nhận, Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ có thể đặt hàng để Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thực hiện giám sát và đánh giá với tư cách một cơ quan độc lập.
Đối với Bộ GD&ĐT: Hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học (HEMIS), đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ, minh bạch các chỉ báo hoạt động cơ bản (KPI) của giáo dục đại học, tạo cơ sở dữ liệu khách quan và tin cậy trong việc cung cấp thông tin cho công tác giám sát và đánh giá, đo lường bước tiến về chất lượng của giáo dục đại học, nhận dạng những yếu kém, bất cập trong tổ chức thực hiện, làm rõ trách nhiệm giải trình, đề xuất giải pháp để từng bước tiến lên.
“UNESCO có nghiên cứu bài bản, công phu về rào cản chung mà các hệ thống giáo dục đại học đang đối diện trước bài toán nâng cao chất lượng trong bối cảnh mới khi nhu cầu học tập đại học hết sức đa dạng, linh hoạt và khác trước. Các rào cản đưa ra đa dạng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chương trình đào tạo, cấu trúc bằng cấp, trình độ của đội ngũ, sự tham gia của các bên liên quan, bảo đảm và kiểm định chất lượng, công nhận văn bằng, vai trò của Chính phủ”. - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến