Một số đặc điểm sinh học của rau cần ta
Rau cần ta, cần nước, hương cần, cần ống, lá dáng cây thảo, thân dài, có sức sống rất dai, trồng trong bùn. Thân rau cần ta rỗng, bén rễ ở các mấu rồi đứng thẳng có nhiều đốt. Lá cần ta mọc so le và chia thùy như lông chim.
Cuống lá rau cần dài 3 - 8cm bị lá ôm khít với thân, lá ở gần ngọn không có cuống. Hoa cần mọc thành cụm đối với lá tạo thành tán kép từng tán đơn có khoảng 10 đến 20 hoa màu trắng. Tất cả bộ phận của cây rau cần đều có thể dùng làm dược liệu ở dạng sấy khô phơi hoặc dùng tươi.
Rau cần là loại rau của mùa lạnh, nhưng ngay từ những ngày cuối thu bạn đã bắt gặp những gánh rau cần được bày bán ở chợ. Rau cần có hai loại, một loại là cần cạn trồng ở ruộng, một loại là cần nước được trồng ở các ao nông.
Rau cần nước có thân cao, trắng, còn cần cạn thân ngắn có màu tía. Cả hai loại cần này đều có vị ngọt, tính mát và tất cả các bộ phận của cây đều có tác dụng trong y học.
Thành phần dinh dưỡng và công dụng:
Rau cần ta có các thành phần dinh dưỡng gồm vitamin P, C, Abumin, đường, canxi, phốtpho, sắt, carôten, axit hữu cơ.
Rau cần ta có tác dụng thanh nhiệt, trừ phong lợi thấp, nhuận phế, ngưng ho, giảm áp suất máu, cao huyết áp. Với đặc tính là cung cấp nhiều chất xơ nên rau cần ta có tác dụng loại trừ các chất thải có độc trong hệ tiêu hoá. Ngoài ra, hương thơm của rau cần còn kích thích và lưu thông các tuyến mồ hôi và giảm huyết áp.
Chữa bệnh với rau cần ta
Huyết áp lên cao, thần kinh căng thẳng, đau đầu: Chần qua nước sôi 250g rau cần (cả thân và lá), xắt nhỏ, giã nát (xay nhuyễn), vắt nước uống, ngày uống hai lần, mỗi lần một chén con, sẽ có tác dụng giảm huyết áp và giải trừ cảm giác căng thẳng, khó chịu.
Tiểu đường: Nấu cháo rau cần ta với gạo tẻ, ngày ăn 2 bữa vào buổi sáng và tối, ăn nóng. Món cháo này không những làm hạ đường trong máu mà còn bổ thận, thanh nhiệt, lợi tiểu, ăn trong một thời gian dài.
Ho gà: Rau cần để nguyên rễ, gốc, lá, giã nát, vắt lấy nước cốt, nêm vài hạt muối, hấp cách thuỷ, ngày uống hai lần vào sáng và tối, làm trong nhiều ngày sẽ đạt hiệu quả.
Máu nhiễm mỡ: 10 cây rau cần giã nát với 10 trái táo tàu, vắt lấy nước, đun sôi, chia uống hai lần trong ngày, uống khoảng từ 15 - 20 ngày cho một đợt điều trị.
Viêm gan mạn tính: 200g rau cần, giã nát, vắt lấy nước cốt, pha thêm với 50g mật ong, ngày uống hai lần liên tục trong một thời gian dài
Điều cần chú ý khi dùng cây rau cần ta
Không nên dùng cần ta để chữa bệnh với những người bị nhiễm giun sán, huyết áp thấp.
Hầu hết các vùng trồng rau cần đều ở bờ ao hoặc ruộng nên rất dễ nhiễm trứng giun sán, nếu dùng dược liệu này ở dạng tươi tốt nhất nên rửa nhiều lần nước cho thật sạch sau đó ngâm cùng nước muối pha loãng hoặc nhúng qua nước sôi rồi mới đem vào sử dụng.
Mặc dù rau cần ta nhiều khoáng chất vitamin và có những lợi ích rõ rệt với việc điều trị nhiều bệnh lý nhưng hiệu quả đạt được dễ khác nhau ở mỗi người vì cơ địa từng người không giống nhau.
Bên cạnh đó, việc dùng dược liệu tự nhiên này vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ. Vì thế, trước khi quyết định thực hiện bất cứ bài thuốc nào từ rau cần nên hỏi ý kiến bác sĩ để có lời khuyên hữu ích.