Rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm, triệu người sớm hưởng lương hưu

PV | 29/10/2021, 09:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sửa luật, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia để giữ chân người lao động, tránh tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Với 270 lượt ý kiến thảo luận tại tổ và hơn 40 ý kiến thảo luận trực tuyến tại hội trường về chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với việc thực hiện chính sách này.

Thời gian đóng dài làm tăng tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, là chỗ dựa cuối cùng, rất quan trọng của người lao động, giúp họ bảo đảm các chi phí tối thiểu trong sinh hoạt hay sự tồn tại của mỗi người.

Cách đây hơn 3 năm, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm, đặt ra những định hướng quan trọng, có ý nghĩa lâu dài đối với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội quan trọng này.

Rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm, triệu người sớm hưởng lương hưu
Phiên họp trực tuyến của Quốc hội chiều ngày 27/10 thảo luận về bảo hiểm xã hội

Trong 2 năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 5 nghị quyết và các quyết định liên quan đến vấn đề này, trong đó có nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ kết dư các quỹ bảo hiểm xã hội với tổng mức hỗ trợ trên 50.000 tỷ đồng.

Trong đó phải kể đến gói 30.000 tỷ đồng từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được phát tiền mặt đến tay người lao động. Còn lại hơn 20.000 tỷ từ việc miễn, giảm các chính sách, rồi miễn đóng, giảm đóng và cho phép chậm đóng bảo hiểm.

Theo báo cáo của Chính phủ, có 16,176 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội trong năm 2020, tăng gần 400.000 người so với năm 2019 và chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, chủ yếu người tham gia chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức chuẩn nghèo nông thôn 700.000 đồng một tháng. Mặt khác, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn khá khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi của đất nước.

Trong khi thực tế, công nhân lao động thường làm việc trong một khoảng thời gian ngắn, khoảng tầm 5 - 10 năm, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như về quê, chuyển đổi ngành nghề hoặc gặp khó khăn về tài chính nên không thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng bán sổ bảo hiểm xã hội, gia tăng tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Do vậy, chính sách bảo hiểm xã hội sẽ không thể phát huy vai trò đối với 65% số lượng người lao động trong độ tuổi lao động.

Một trong những nguyên nhân khiến bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa được như mong muốn là những quy định về chính sách chưa đủ hấp dẫn, thu hút người tham gia, trong đó có quy định về thời gian đóng còn tương đối dài, 20 năm. Mặt khác, chế độ hưởng còn hạn chế, đặc biệt là còn thiếu sự linh hoạt và đa dạng về hình thức đóng so với các loại hình bảo hiểm thương mại có tính chất tương tự trên thị trường.

Nhiều đại biểu chung quan điểm, để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 28 của Trung ương đã đề ra, cần có những giải pháp cả về chính sách và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ để gia tăng tỷ lệ bảo hiểm xã hội tự nguyện, bởi dư địa từ khu vực này còn rất lớn.

Theo đó, cần sớm xem xét điều chỉnh, sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội năm 2013, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia, nhất là có những phương thức và cách tính theo giá trị dòng tiền, tạo sự hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều người tham gia.

Bên cạnh đó, phải làm sao để người lao động thấy được quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm xã hội; quan tâm hướng dẫn, giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động ở các tỉnh phía Nam về quê trong thời gian qua để bảo đảm quyền lợi của người lao động; nghiên cứu có gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng phù hợp, nhất là đối với công nhân lao động.

Giảm mức đóng 0,5%, có vạn tỉ để làm ăn

Về quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội, với mức kết dư hằng năm lớn, trong khi tỷ lệ chi chưa tương xứng, một số đại biểu Quốc hội cho rằng luật pháp về bảo hiểm xã hội cần quy định giảm mức đóng như đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ gần đây. Từ đó, tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động có thể giảm thiểu những chi phí, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay là hết sức cần thiết.

Cụ thể, đại biểu Trần Thị Hiền, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị sửa đổi luật quy định linh hoạt hơn nhằm giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ ốm đau và thai sản cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Điều này giúp Chính phủ linh hoạt trong quá trình điều hành thuận lợi, điều chỉnh mức đóng cho cả doanh nghiệp và người lao động vẫn bảo đảm thực hiện các chế độ, bảo đảm cân bằng quỹ.

Đồng thời, việc này cũng hỗ trợ thiết thực cho các bên giảm chi phí, tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và có sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh Covid-19 tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) tính toán nếu giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5% thì mỗi năm người lao động và doanh nghiệp có thêm khoảng 10.000 tỷ đồng để dành cho sản xuất, kinh doanh và chăm lo đời sống của người lao động.

Vì vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo, đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các luật có liên quan theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Trung ương. Đó là đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả. Ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu Chính phủ dài hạn...

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh-Xã hội Đào Ngọc Dung, cuối tháng 10/2021, phiên họp Chính phủ sẽ bàn về nội dung Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Quốc hội nhằm tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết 28, Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm.

Gia Nguyên

Bài liên quan
Kỳ vọng Quốc hội dưới sự điều hành của ông Vương Đình Huệ sẽ “thực chất, thực quyền” hơn
Với số phiếu tuyệt đối, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV tiếp tục được tín nhiệm, bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm, triệu người sớm hưởng lương hưu