Ngày 19/5/1966, Cẩm Bình được công nhận là xã đầu tiên trong cả nước thực hiện phổ cập cấp I cho toàn dân trong độ tuổi và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Năm 1969, Bác Hồ đã gửi tặng xã Cẩm Bình bức chân dung có ghi bút tích của Người: Thân ái gửi lời khen đồng bào và cán bộ xã Cẩm Bình đã tổ chức tốt việc giáo dục văn hóa.
Xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) 4 lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, trong đó 2 lần Anh hùng Giáo dục. |
Cẩm Bình là địa phương được Đảng, Nhà nước phong tặng 4 danh hiệu Anh hùng gồm: Anh hùng LLVT cho Ban công an xã năm 1970; Anh hùng Lao động cho ngành Giáo dục xã năm 1985; Anh hùng LLVT cho cán bộ và nhân dân năm 1995; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Trường Tiểu học năm 2005. Năm 1978, Cẩm Bình vinh dự được UNESCO tặng giải thưởng CrupsitCaiA “Đơn vị lá cờ đầu về xóa bỏ nạn mù chữ và bổ túc văn hóa của Việt Nam”.
Bước vào đầu thời kỳ đổi mới, các thế hệ lãnh đạo địa phương, cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp tục thắp sáng “Ngọn đèn làng học Cẩm Bình”. Cẩm Bình cũng là xã duy nhất trong cả nước 4 lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, trong đó 2 lần Anh hùng Lao động trong lĩnh vực Giáo dục.
Những danh hiệu trên đã minh chứng cho truyền thống hiếu học người dân vùng đất khó. Và bây giờ, khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, thế hệ đi sau vẫn tiếp tục bồi đắp thắp sáng ngọn đèn đất học Cẩm Bình.
Hiện nay, con em Cẩm Bình nhiều người đỗ đạt, thành tài công tác tại nhiều ngành, địa phương khác nhau trong và ngoài nước. Theo thống kê, toàn xã hiện có 3 giáo sư, 6 phó giáo sư, 28 tiến sĩ, phó tiến sĩ.
Riêng tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng trong 10 năm trở lại đây bình quân đạt trên 85%. Trong đó, có những thôn như Tân An, Bình Luật, Bình Vinh, Yên Bình… tỷ lệ con em đỗ đạt, có công ăn việc làm ổn định tại các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp lớn trên cả nước chiếm đến 50 - 60%.
Theo ông Nguyễn Văn Bộ, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Cẩm Bình, để có được những thành tích như ngày hôm nay là thành quả của quá trình hoạt động, thi đua trong công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương
Xã Cẩm Bình hiện có 48 dòng họ đều thành lập dòng họ khuyến học trong đó có 38 dòng họ được công nhận dòng họ học tập. Hoạt động khuyến học, khuyến tài của xã phát triển mạnh, tổng quỹ khuyến học các cấp của xã Cẩm Bình hàng năm vận động được hơn 100 triệu đồng, trong đó xã quản lý 40 triệu đồng, còn lại là quỹ khuyến học của các nhà trường, thôn xóm, cơ quan, các Ban khuyến học dòng họ...
Để duy trì được hoạt động khuyến học khuyến tài hiệu quả, hầu hết các Chi hội và Ban khuyến học dòng họ đều kêu gọi tự nguyện quyên góp quỹ khuyến học riêng. Ngoài ra, cũng phải kể đến công lao từ những con em thành đạt của địa phương thường xuyên hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục địa phương.
Nhiều năm qua, nguồn Quỹ khuyến học đã phát huy hiệu quả trong động viên, khen thưởng kịp thời các thành tích của con em địa phương. Qua công tác khuyến học, khuyến tài, người dân ngày càng nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc học tập, trau dồi tri thức trong việc kiến tạo cuộc sống.
“Ngày nay, con em tại các địa phương có nhiều con đường để tiến thân lập nghiệp, nhưng ở Cẩm Bình tiến thân bằng con đường học tập vẫn luôn được người dân nơi đây ưu tiên làm đầu. Mỗi một gia đình, mỗi một dòng họ đều luôn có ý thức và trách nhiệm trong phong trào khuyến học, dù vất vả đến đâu cũng gắng cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Chuyện mỗi gia đình có 3 đến 4 con vào đại học từ lâu đã không còn là chuyện lạ ở nơi đây”, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Cẩm Bình nói.
Gia đình ông bà Nguyễn Văn Ngợi - Nguyễn Thị Liên (thôn Bình Luật) là một trong những tấm gương sáng về sự hiếu học tại Cẩm Bình. Gia đình ông bà có 4 người con đều đỗ vào các trường đại học tốp đầu trong toàn quốc. Hiện nay, các con ông trưởng thành và tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực như: Bác sĩ, công an, giáo viên, kỹ sư.
Để trang trải 19 năm nuôi các con học đại học, có những thời điểm 2 vợ chồng phải đi vay mượn từ vài chục nghìn gom góp gửi tiền cho các con. Đến khi các con ra trường, ông bà vẫn còn gánh khoản nợ 280 triệu đồng, số tiền này cũng vừa trả hết trong năm ngoái.
“Nhà làm nông, nhiều lúc tiền bạc bí bách nhưng hai vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ đến cảnh khuyên con nghỉ học. Tôi dặn các con lấy đó là động lực để phấn đấu hơn. Có thể có nhiều con đường lập nghiệp nhưng con đường học tập bao giờ cũng vững chãi và tối ưu hơn”, ông Ngợi tâm niệm.