Giáo dục

Sáp nhập phường, xã và các vấn đề liên quan đến GD: Linh hoạt khắc phục khó khăn

24/09/2024 11:52

Quá trình sắp xếp, sáp nhập trường học ở Hải Phòng đã bộc lộ khó khăn, bất cập về công tác quản lý, hoạt động dạy học, chế độ chính sách...

Để hoàn thành nhiệm vụ năm học, nhà trường phải linh hoạt gỡ khó, đồng bộ nhiều giải pháp cùng sự chung sức, đồng lòng của đội ngũ nhà giáo.

Những tín hiệu khả quan

Ông Nguyễn Văn Năng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2017 - 2023, ngành Giáo dục huyện đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, việc sắp xếp, sáp nhập trường có hiệu ứng tích cực.

Vốn là địa bàn rộng với 111 trường, sau sáp nhập, Thuỷ Nguyên giảm được 7 đơn vị giáo dục có quy mô lớp nhỏ. Bên cạnh đó, các trường được sắp xếp, tổ chức lại, giảm số tổ chuyên môn thuộc trường. Tại các trường sáp nhập, quy mô lớp tăng giúp việc chỉ đạo các hoạt động chuyên môn, tổ chức dạy và học hiệu quả hơn, qua đó phát huy được tính chủ động, sáng tạo của nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục.

Sáp nhập cũng giúp tinh giản cán bộ quản lý, nhân viên hành chính tại các cơ sở giáo dục trong huyện. Cụ thể, Thuỷ Nguyên giảm được 15 cán bộ quản lý, gồm 7 cấp trưởng và 8 cấp phó; 7 nhân viên kế toán. Do quy mô trường học tăng lên, số lớp học nhỏ lẻ giảm, tỷ lệ học sinh/lớp tăng vì thế nhân viên phụ trách hỗ trợ giáo dục giảm đi.

Từ tháng 2/2023, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (Thuỷ Nguyên) là trường liên xã gồm Trung Hà, Thủy Triều, An Lư. Trường gồm 2 khu: Khu A ở thôn 7, xã Thuỷ Triều có tổng diện tích hơn 11.880m2; Khu B ở thôn Trại, xã Trung Hà có tổng diện tích hơn 11.166m2.

Theo cô Hiệu trưởng Phạm Thuý Hoa, sau sáp nhập, cơ sở vật chất nhà trường không ngừng được xây dựng và mở rộng; tất cả phòng học, phòng chức năng được sửa chữa và xây mới đảm bảo diện tích, ánh sáng, thẩm mỹ, đạt các tiêu chí về trường chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, khuôn viên, sân chơi bãi tập, khu vệ sinh, nhà xe cũng đồng loạt được nâng cấp, tạo nên môi trường giáo dục xanh - sạch - đẹp và an toàn.

Trường Tiểu học Hoà Bình 1 và Tiểu học Hoà Bình 2 (Hoà Bình, Thuỷ Nguyên) được sáp nhập thành Trường Tiểu học Hoà Bình từ tháng 1/2024. Theo cô Vũ Thị Xứng - Hiệu trưởng nhà trường, từ khi sáp nhập, nhà trường nhanh chóng ổn định tình hình, sắp xếp lại bộ máy tổ chức; kiện toàn tổ chức Đảng, đoàn thể; xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong nhà trường, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, phụ huynh... đảm bảo việc học tập của học sinh diễn ra theo kế hoạch.

Đặc biệt, tập thể ban giám hiệu cùng giáo viên của trường tích cực đổi mới phương pháp giáo dục, xây dựng trường là một trong những lá cờ tiên phong của ngành Giáo dục huyện.

Thực hiện chủ trương của các cấp, nhiều trường học ở huyện Kiến Thuỵ tiến hành sáp nhập, đến nay đã hoạt động ổn định. Theo ông Nguyễn Văn Phán - Trưởng phòng GD&ĐT huyện, Kiến Thụy có 4 trường sáp nhập liên cấp và 2 trường sáp nhập liên xã. Sáp nhập liên cấp có nhiều điểm thuận lợi hơn do cùng địa bàn, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh đi lại dễ dàng. Năm 2023, Trường THCS Đại Đồng và THCS Đông Phương sáp nhập liên xã. Tương lai, 2 xã này sẽ sáp nhập thành một nên cơ bản thuận lợi.

linh hoat khac phuc kho khan (1).jpg
Trường Tiểu học Hoà Bình với nhiều hoạt động tập thể hữu ích.

Khắc phục khó khăn

Dù có những thuận lợi nhất định nhưng theo đại diện Phòng GD&ĐT huyện Thuỷ Nguyên, quá trình sáp nhập trường nảy sinh một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể, việc sắp xếp, tinh giản biên chế trường học mới mang tính cơ học. Sáp nhập mới dừng ở việc giảm được số lượng trường học, giảm cán bộ quản lý và các đầu mối trong trường học. Các trường chưa thực sự tinh giản được biên chế giáo viên và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Phân tích thêm về những bất cập trong quá trình sáp nhập, ông Nguyễn Văn Phán cho rằng, sáp nhập liên cấp sẽ khó khăn khi bổ nhiệm cán bộ quản lý bởi theo quy định, người có chuyên môn ở cấp cao nhất sẽ quản lý cấp thấp. Vì thế, khi bổ nhiệm giáo viên có chuyên môn cấp tiểu học có một số rào cản.

Các trường còn khó khăn trong bố trí giáo viên dạy 2 cấp, do quy định số tiết của tiểu học và THCS khác nhau. Các hoạt động hành chính của 2 cấp học cũng khác nhau, nên việc sắp xếp sinh hoạt chi bộ, hoạt động giáo dục của trường liên cấp gặp nhiều bất cập.

Cô Phạm Thuý Hoa cho rằng, việc sáp nhập trường mang tính cơ học, ghép 2 trường thành 1 với các điểm trường ở xa nhau, với địa giới hành chính khác nhau hoặc trường liên cấp qua đó phát sinh bất cập.

Cụ thể, như Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, khi sáp nhập số lượng học sinh không thay đổi nhưng phát sinh điểm trường lẻ; học sinh phải đi học cách trường gần 3 km theo đường quốc lộ rất nguy hiểm.

Hơn nữa, cán bộ, giáo viên đi làm xa; các hoạt động giáo dục tổ chức tại nhiều điểm trường khiến khó khăn về đội ngũ và không lan toả được tinh thần chung tới toàn thể học sinh. Đặc biệt, trường sáp nhập nhưng các xã chưa sáp nhập hành chính, vì thế việc nhà trường báo cáo chủ trương, thống nhất các hoạt động giáo dục với địa phương không thuận tiện.

Nhưng với tinh thần đoàn kết, vượt khó, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THCS Nguyễn Văn Cừ đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. “Với phương châm “Rèn đức luyện tài vì ngày mai lập nghiệp”, “Trường học thân thiện học sinh tích cực” phụ huynh yên tâm khi lựa chọn trường là nơi để gửi gắm con em mình đến học tập và rèn luyện”, cô Hoa chia sẻ thêm.

Trao đổi về những khó khăn khi sáp nhập trường, cô Vũ Thị Xứng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoà Bình cho hay, bên cạnh một số thuận lợi, sáp nhập trường còn nhiều tồn tại đòi hỏi ban giám hiệu có biện pháp linh hoạt, gỡ khó. Ví như các hoạt động giáo dục, cán bộ Tổng phụ trách không thể vừa chạy trường chính, lại sang điểm lẻ và tổ chức một lúc hoạt động ở 2 điểm trường.

Vì thế, nhà trường đưa ra phương án tổ chức chung tại trường trung tâm. Tuy nhiên, cô trò ở điểm lẻ phải lưu thông trên tuyến đường lớn nhiều phương tiện giao thông trọng tải nặng. Vì vậy, mỗi khi có hoạt động chung toàn trường, nhà trường thuê ô tô đưa đón học sinh về điểm trung tâm cho đảm bảo an toàn. Việc này làm phát sinh kinh phí cũng là trăn trở, nhưng khó mấy cũng phải làm vì quyền lợi học sinh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/sap-nhap-phuong-xa-va-cac-van-de-lien-quan-den-gd-linh-hoat-khac-phuc-kho-khan-post701728.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/sap-nhap-phuong-xa-va-cac-van-de-lien-quan-den-gd-linh-hoat-khac-phuc-kho-khan-post701728.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáp nhập phường, xã và các vấn đề liên quan đến GD: Linh hoạt khắc phục khó khăn