Biên chế sự nghiệp giáo dục hiện nay do 3 cơ quan có thẩm quyền quản lý, bao gồm: Bộ Nội vụ giao, duyệt biên chế; Bộ GD&ĐT quy định danh mục vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc; UBND cấp tỉnh trực tiếp tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức GV.
Ngành Giáo dục không được tham gia sâu vào quá trình tuyển dụng, điều tiết GV cho phù hợp với quy định chức năng, nhiệm vụ. Vì vậy, vấn đề thừa, thiếu GV mầm non, phổ thông trong nhiều năm qua không được giải quyết triệt để, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, theo các chuyên gia, việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, giữa các bộ, ngành liên quan; cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV.
Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Bộ Nội vụ, các địa phương vẫn giữ quyền về phân bổ chỉ tiêu GV, ngân sách, Bộ GD&ĐT không chủ động được về đội ngũ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GV khó khắc phục. Ngoài ra, tình trạng thừa thiếu GV cục bộ xuất hiện nhiều ở bậc mầm non, tiểu học, THCS. Đội ngũ này phân cấp cho địa phương phân bổ và quản lý. Như vậy, chính quyền địa phương phải nắm rõ tình hình đội ngũ trên địa bàn để chủ động đặt hàng cơ sở đào tạo để sát với nhu cầu.
Báo cáo số 559/BC-UBVHGD15 ngày 22/2/2022 về kết quả khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ GV mầm non, phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thực hiện cũng nêu thực trạng thiếu số lượng lớn và tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ ở từng địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, cấp học, môn học; đặc biệt, các môn mới được triển khai theo Chương trình GDPT 2018.
Để xây dựng và thực hiện tốt hơn các chính sách, từ đó phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, một trong những kiến nghị của Đoàn khảo sát là cần có sự thống nhất trong quan điểm giữa 2 Bộ (GD&ĐT, Nội vụ) về cách tính định biên GV và vấn đề thừa, thiếu GV (thiếu so với biên chế được giao; thiếu so với định mức của Bộ GD&ĐT về học sinh/lớp, GV/lớp).
Riêng thiếu GV các môn học mới, vấn đề đào tạo tại các trường sư phạm rất quan trọng. Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho hay: Hiệp hội đã có kiến nghị về một số giải pháp khẩn cấp đối với hệ thống các cơ sở sư phạm.
Theo đó, về phân cấp quản lý, Bộ GD&ĐT xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục và quy định tiêu chuẩn chất lượng các loại GV. Bộ GD&ĐT quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng GV và giao chỉ tiêu đào tạo/bố trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp cho các trường ĐH sư phạm/ĐH giáo dục trọng điểm/Trung ương.
Các trường này được tự chủ trong đào tạo sau ĐH và nghiên cứu khoa học, tập trung đào tạo sau ĐH (đặc biệt đối với các trường trọng điểm); nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường THPT trên phạm vi toàn quốc. UBND cấp tỉnh quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo GV mầm non, tiểu học, THCS cho các trường/khoa sư phạm địa phương. Các trường/khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo, bồi dưỡng GV cho các trường mầm non, tiểu học và THCS trong địa phương theo chỉ tiêu do chính quyền địa phương giao...
Theo ông Đặng Tự Ân, để giáo dục là quốc sách hàng đầu, Chính phủ và các bộ, ngành cần có quan điểm và cách làm ủng hộ Bộ GD&ĐT trên tinh thần lo cho thế hệ hiện tại và mai sau. Không để tái diễn tình trạng thiếu GV, cán bộ quản lý như cảnh “ăn đong” hay “vừa chạy vừa xếp hàng”.