Thật ra, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích cử nhân học cao học để giải quyết bài toán thất nghiệp cho sinh viên mới ra trường. Được sự khuyến khích của chính phủ, ngày càng nhiều sinh viên quyết định học cao học. Thậm chí, Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu các trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ thêm 189.000 (gần 25%) để giảm bớt tình trạng thất nghiệp.
Dù đã tăng chỉ tiêu, nhưng theo dữ liệu được công bố bởi China Education Online , 4,74 triệu người đã đăng ký tham gia kỳ thi sau đại học diễn ra vào cuối năm 2022 và tỷ lệ vượt qua kỳ thi này chỉ là 1/4.
Năm 2022, Trung Quốc có 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Được biết, đây là lần đầu tiên quốc gia này vượt mốc 10 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học. Trong khi đó, số liệu do Cục Thống kê Quốc gia của nước này công bố cho thấy vào tháng 7 năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc từ 16 - 24 tuổi là gần 20% - mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố số liệu vào năm 2018.
Nhận thấy được tính cạnh tranh khốc liệt trong thị trường lao động hiện nay, nhiều sinh viên chọn cách rẽ hướng học lên cao học và nghiên cứu sâu về chuyên môn thay vì đi tìm kiếm việc làm luôn.
Việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, cùng với đó là nhiều người trẻ lựa chọn theo học cao học sau khi tốt nghiệp cử nhân, thay vì đi tìm việc làm có thể giải quyết phần nào bài toán thất nghiệp cho sinh viên, song cũng có mặt trái. Theo đó, nhiều sinh viên cho rằng bằng cấp càng cao là càng bắt buộc nên ngay từ khi vào đại học, các em đã xác định phải học lên cao.
Giáo sư Wu Xiaogang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội ứng dụng chia sẻ, khi bằng đại học trở nên phổ biến, các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều tiêu chí tuyển dụng khắt khe hơn. Vậy nên, các ứng viên trẻ phải đối mặt với vô vàn áp lực hơn so với những đồng nghiệp lớn tuổi, vốn giàu kinh nghiệm. Trong khi đó, Trung Quốc còn phải đối mặt với một thử thách nữa là lực lượng lao động được đào tạo chuyên môn quá mức cần thiết. Hiểu một cách đơn giản, trình độ học vấn của một nhân viên Trung Quốc hiện nay đang vượt quá yêu cầu đối với công việc của họ.
Giáo sư Wu Xiaogang nhấn mạnh, ở cấp độ xã hội, học quá cao là sự lãng phí to lớn vào đầu tư vốn con người. Nếu tư duy quan trọng hóa bằng cấp không thay đổi, các kỳ tuyển sinh của Trung Quốc sẽ càng trở nên căng thẳng hơn.
Ngoài ra, việc tập trung quá độ vào trình độ học vấn đã làm nảy sinh "nỗi ám ảnh về học tập", nuôi dưỡng sự lo lắng, bối rối với người trẻ Trung Quốc. Các báo cáo chỉ ra rằng quá trình chuẩn bị cho các kỳ thi cao học là một thử thách lớn đối với sức khỏe của giới trẻ quốc gia tỷ dân. Một cuộc khảo sát về tình trạng sức khỏe tâm thần của sinh viên đại học cho thấy những người dự định học cao học có mức độ lo lắng cao hơn so với những người cùng lứa tuổi.
Tổng hợp