“Cố gắng trong danh mục nguyện vọng nên có 3 mức độ khi so sánh với điểm chuẩn năm 2020 (so sánh với năm 2020 vì mục tiêu, mục đích và bối cảnh của kỳ thi tương đương năm nay): cao hơn điểm thi từ 1-3 điểm; tương đương với điểm thi; thấp hơn điểm thi từ 1-4 điểm. Nếu điểm thi quá thấp, các em có thể đăng ký xét tuyển học bạ. Rất nhiều trường có lựa chọn này cho các thí sinh”, ThS. Ngọc Anh tư vấn.
Theo quy định, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, năm nay, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần. Tuy nhiên, có một số em quên tài khoản và mật khẩu để điều chỉnh nguyện vọng. Trong tình huống này, thí sinh nên truy cập hệ thống http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn và nhấn vào đường dẫn “Quên mã đăng nhập?” và làm theo hướng dẫn. Ngoài ra, các em có thể liên hệ với điểm tiếp nhận hồ sơ (nơi nộp hồ sơ đăng ký dự thi) để đề nghị cấp lại. Khi đi nhớ mang theo giấy tờ tùy thân.
Theo ThS. Ngọc Anh, nếu thí sinh muốn bổ sung nguyện vọng xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, có 2 trường hợp xảy ra. Nếu điều chỉnh số lượng nguyện vọng không lớn hơn số lượng nguyện vọng đăng ký ban đầu,thí sinh có thể sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để điều chỉnh.Nếu sau khi bổ sung mà số lượng nguyện vọng lớn hơn số lượng đăng ký ban đầu thì thí sinh cần đến điểm tiếp nhận hồ sơ để làm thủ tục bổ sung kinh phí tương ứng.
Theo ông Ngọc Anh, thí sinh nên cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển khi phát hiện ra một trong các trường hợp sau: lựa chọn các ngành đăng ký chưa phù hợp với năng lực của bản thân và gia đình; sắp xếp thứ tự nguyện vọng chưa phù hợp; tìm hiểu thấy ngành mới phù hợp hơn với bản thân; kết quả thi tốt nghiệp THPT có sự thay đổi lớn so với dự tính ban đầu. Kết quả điều chỉnh nguyện vọng nên hướng tới mục tiêu đỗ vào ngành mà thí sinh yêu thích, có cơ hội việc làm tốt, phù hợp với năng lực của bản thân và điều kiện của gia đình.
Trong khi đó, tại các chương trình tư vấn tuyển sinh, chuyên gia của các trường đại học nói rằng, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh nên nghiên cứu thật kỹ những trường đã đăng ký về học phí, điều kiện học tập, cơ sở vật chất, thương hiệu của ngành mà mình muốn chọn... Sau khi nghiên cứu xong, liệt kê khoảng 3-4 ngành ở các trường đại học mà mình thấy thích hợp nhất để lựa chọn khi được đổi nguyện vọng.
Thí sinh cần lưu ý khi chọn ngành nên chọn những ngành gần nhau, tương tự nhau thì mới học được, chọn các ngành quá xa nhau thì rất khó học tập. Ví dụ, chọn ngành công nghệ thực phẩm và kế toán thì quá khác biệt. Thí sinh nên chọn khoảng 5-7 trường đại học để nghiên cứu đổi nguyện vọng, sau đó chọn lại khoảng 2-3 trường đại học để đổi nguyện vọng sau khi các trường đó công bố điểm sàn xét tuyển.