Sinh viên chế robot phát hiện dòng chảy xa bờ

23/04/2024, 08:06
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhóm sinh viên Nguyễn Duy Khang và Trần Viết Lân vừa chế tạo thành công robot phát hiện dòng chảy xa bờ nhằm ngăn ngừa tai nạn đuối nước khi tắm biển...

Nhóm đã nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc nhận diện dòng nước nguy hiểm, thông báo về trung tâm điều khiển và phát tín hiệu lên trên mặt nước.

Để người tắm biển có thể nhận diện dễ dàng dòng chảy xa bờ, nhóm đã thiết kế cánh tay robot rất dài. Khi xác định được vị trí dòng chảy nguy hiểm thì cánh tay sẽ kéo dài lên trên mặt nước để đánh dấu khu vực đó.

Dữ liệu để robot đưa ra cảnh báo là hệ thống cảm biến, nhận diện đo từ trường, tốc độ, lưu lượng, áp suất nước để phân tích môi trường, đưa ra kết quả chính xác và vận hành hiệu quả.

Sinh viên Trần Viết Lân cho biết, để phát hiện dòng chảy xa bờ, robot sẽ được thả xuống biển để lặn, ghi nhận các thông số nêu trên bằng các cảm biến. Robot lặn bằng động cơ. Với cơ chế này thiết bị có thể lặn mà không phụ thuộc vào thể tích khoang chứa như cơ chế thuần tàu ngầm.

Đồng thời giảm trọng lượng của thiết bị hơn nhiều, linh hoạt trong việc vận chuyển, nên việc chế tạo có thể đơn giản và hiệu quả hơn. Nhờ có robot mà chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát và đẩy tiến trình quan sát, do thám dòng chảy xa bờ hiệu quả hơn.

Dòng chảy xa bờ thường tồn tại chủ yếu ở những vùng biển có sự tồn tại của các đỉnh nhọn địa hình cố định nhô ra biển, như trên đầu và bên cạnh các bờ kè, đê chắn sóng, cầu cảng, các công trình nhân tạo khác xây sát bờ.

Dòng chảy xa bờ xảy ra tại các bãi biển không phải khi nào chúng ta cũng có thể phân biệt được, vì nó là một hiện tượng thủy thạch động lực học biến đổi rất phức tạp, nên rất khó có thể dự báo trong mọi thời điểm và tại mọi nơi của các bãi tắm.

Nhóm sinh viên tự tin khi được ứng dụng, robot sẽ mang lại giá trị cho xã hội và cộng đồng, giảm thiểu rủi ro tai nạn đuối nước đáng tiếc. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu để giảm 5 - 10kg trọng lượng và kích thước của robot, tăng công suất động cơ để có thể lặn sâu hơn.

Ngoài ra, nhóm mong muốn cải thiện và tối ưu hóa hiệu quả của cánh tay robot để hoạt động linh hoạt, chính xác. Tiến xa hơn là có thể sử dụng cánh tay ấy để cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân gặp tai nạn đuối nước.

Sau đó là bổ sung các cảm biến như đo chất phóng xạ (đang lắp đặt), đo chất lượng nguồn nước và các cảm biến có chức năng phục vụ cho việc nghiên cứu, đảm bảo an toàn vào hệ thống cảm biến.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-che-robot-phat-hien-dong-chay-xa-bo-post679796.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-che-robot-phat-hien-dong-chay-xa-bo-post679796.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên chế robot phát hiện dòng chảy xa bờ