Trong đặc trưng quản lý của Đại học Khác, những chủ đề nêu trên không dùng để thảo luận và khám phá, chúng là những thông điệp sinh viên cần tiếp thu và tuân thủ.
"Nếu giảng viên đại học mong muốn hướng dẫn sinh viên theo cách tìm hiểu cởi mở, Đại học Khác sẽ khiến sinh viên tuân theo chuẩn mực và giá trị được tạo sẵn của một thế giới chuyên nghiệp - nơi mà sau này sinh viên sẽ sớm được tiếp cận", giáo sư Wellmon nói thêm.
Đại học Khác cung cấp khóa đào tạo trực tuyến, bao gồm các hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, các cuộc thảo luận do chuyên gia tư vấn và hướng dẫn quản lý xung đột, đáp ứng kỳ vọng của cuộc sống chuyên nghiệp dành cho người trưởng thành. Những yêu cầu này được thiết kế để phản ánh một thứ được gọi theo cách hoa mỹ là "cân bằng giữa công việc và cuộc sống".
Xu hướng coi sinh viên như một nhân viên ngay từ khi các em đặt chân vào trường chính là lý do khiến sinh viên gặp khó khăn. Càng ngày, người lớn càng đặt lên vai sinh viên những kỳ vọng về cuộc sống nghề nghiệp của người trưởng thành, nhưng lại thiếu đi sự tự chủ và kinh nghiệm cần thiết.
Tại Mỹ, Bộ Giáo dục khuyến nghị sinh viên chỉ nên dành thêm 2 giờ/tín chỉ/tuần cho các hoạt động ngoài lớp học. Phó giáo sư Aaron R. Hanlon tại Colby College nói rằng sinh viên ở trường ông thường học 16 tín chỉ mỗi kỳ, tức là mỗi tuần các em chỉ dành 32 giờ cho việc học. Nhưng một khảo sát cho thấy sinh viên Mỹ đang dành nhiều hơn 13-17 giờ mỗi tuần để chuẩn bị cho các lớp học.
Sinh viên Mỹ phải dành 45-49 giờ mỗi tuần cho việc học. Ảnh: Pexels. |
Ước tính khoảng 40% sinh viên cũng đang đi làm nên không có gì ngạc nhiên khi các em gặp căng thẳng. Vấn đề không chỉ liên quan thời gian học tập mà còn liên quan đến những tâm lý đang áp đặt lên sinh viên - tâm lý ưu tiên quản lý nguồn lực chuyên nghiệp thay vì ưu tiên giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, cơ quan hành chính của trường đại học giám sát đời sống sinh viên giống như bộ phận nhân sự của một công ty. Họ yêu cầu sinh viên phải có khả năng phục hồi, sự nhạy bén và phải tuân thủ các chính sách về hành vi và giải quyết tranh chấp giữa các cá nhân.
Do đó, nhiều sinh viên cảm thấy đại học không còn tự do và thú vị về mặt tri thức. Đại học trong mắt họ giờ là một hệ thống quản lý chặt chẽ và mang tính quy tắc.
Là một người dẫn dắt sinh viên, phó giáo sư Aaron R. Hanlon thường xuyên hỏi sinh viên về cách họ đối phó với lượng công việc để ông rút ra giải pháp hỗ trợ sinh viên.
Trong những lần tâm sự với phó giáo sư, sinh viên cho biết họ ngày càng áp lực khi tham gia LinkedIn và phải xây dựng hồ sơ cá nhân càng sớm càng tốt.
"Tôi ngạc nhiên khi biết rằng sinh viên của tôi đang tập trung vào việc đáp ứng kỳ vọng nghề nghiệp của người trưởng thành thay vì đáp ứng yêu cầu học tập", phó giáo sư Hanlon nói.
Phó giáo sư Aaron R. Hanlon không chắc liệu gen Z có thực sự yếu đuối như thế hệ trước hay không. Nhưng nếu sinh viên gặp khó khăn, rất có thể nguyên nhân bắt nguồn từ những "ràng buộc kép" từ phía trường đại học.
Bề ngoài, sinh viên đến trường để theo đuổi các môn học thuật - những môn cung cấp mọi kỹ năng phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Nhưng thực tế, sinh viên lại bị hướng đến một mục tiêu khác là phải theo đuổi kỳ vọng của giới văn phòng.
"Sức khỏe tinh thần của sinh viên sẽ được cải thiện nếu chúng ta nhận ra và khắc phục điều này. Đại học là nơi cuối cùng để sinh viên học cách suy nghĩ và hòa nhập với thế giới, là nơi các em định hình bản thân mà không bị tác động bởi những nguyên tắc của nguồn nhân lực. Chúng ta cần kiên quyết bảo vệ sinh viên vì quyền tự do và độc lập về mặt trí tuệ của các em, chứ không phải mở ra những khóa đào tạo trên Zoom và loạt hội thảo về sức khỏe", phó giáo sư Aaron R. Hanlon nhấn mạnh.