Sở GD&ĐT Hà Nội chấn chỉnh một số vấn đề 'nóng' đầu năm học

05/10/2023, 16:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sở GD&ĐT Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và nêu các hướng giải quyết một số vấn đề “nóng” còn tồn tại của ngành thời gian vừa qua.

Chấn chỉnh, ngăn chặn các sai phạm

Ngày 5/10, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2023-2024 với sự tham dự của tất cả các Phòng GD&ĐT, các nhà trường, các Trung tâm GDNN-GDTX tại hơn 200 điểm cầu trên toàn thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Năm học 2023-2023, quy mô giáo dục thành phố Hà Nội có hơn 2.800 trường học với hơn 2,3 triệu học sinh, gần 124.000 giáo viên.

Từ đầu năm học tới nay, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại trong công tác quản lý, công tác dạy học, công tác giáo dục đạo đức lối sống, công tác thu chi đầu năm học... gây bức xúc trong dư luận.

Đơn cử như việc giáo viên có lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực tại Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) và tại Trường THPT Phan Huy Chú - Thạch Thất (huyện Thạch Thất); việc cô giáo mầm non bạo hành trẻ tại huyện Gia Lâm... Hội nghị nhằm chỉ đạo, quán triệt một lần nữa những quy định liên quan để chấn chỉnh, ngăn chặn các sai phạm có thể xảy ra.

Giải toả những bức xúc từ gia đình và dư luận về việc Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn) từ chối giáo dục học sinh trong vài ngày qua, ông Trần Thế Cương yêu cầu nhà trường phải bảo đảm quyền lợi học sinh được đến trường, đến lớp học, không vì bất cứ lý do nào mà từ chối giáo dục học sinh.

Thông tin về việc xử lý cơ sở bạo hành trẻ 15 tháng tuổi ở huyện Gia Lâm, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm khẳng định, nhóm trẻ đã bị đình chỉ theo đúng quy định. Hôm nay (5/10), lực lượng chức năng đang giám sát việc tháo dỡ biển cũng như việc đóng cửa của cơ sở. Toàn bộ trẻ đang theo học tại đây được chuyển sang trường mầm non công lập trên địa bàn.

Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu. ảnh 1
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu.

Để ngăn chặn việc các cơ sở mầm non hoạt động “chui”, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Khi phát hiện cơ sở có sai phạm, hoạt động không có giấy phép, phải kiên quyết xử lý và quan tâm hậu kiểm, tránh trường hợp ra văn bản thông báo đình chỉ rồi nhưng không kiểm tra sau đó, để cơ sở vẫn mở cửa đón trẻ. Khi dừng hoạt động, các đơn vị phải quan tâm đến quyền lợi của trẻ em và người lao động.

Về việc dạy kỹ sống, bà Trần Thị Thu Hà - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng và Khoa học Công nghệ cho biết, Sở đã đề nghị các nhà trường thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, tránh gây bức xúc trong phụ huynh học sinh. Sở sẽ sớm có văn bản chỉ đạo về nội dung giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa để các nhà trường thực hiện nền nếp, thống nhất.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị. ảnh 2
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị.

Xử lý nghiêm những sai phạm về dạy thêm, học thêm

Về vấn đề thu chi đầu năm học, bà Hoàng Thị Thu Phương - Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính - lưu ý thủ trưởng các đơn vị về việc quán triệt triển khai đúng văn bản quy định về tăng cường quản lý công tác thu chi đầu năm, thống nhất bằng văn bản các khoản thu khác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở công lập theo phân cấp.

Kịp thời chấn chỉnh nếu có biểu hiện lạm thu, thu chưa đúng quy định, xử lý nghiêm hiệu trưởng các nhà trường thực hiện thu chi không đúng quy định. Với các đơn vị trực thuộc, Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra công tác thu chi theo thẩm quyền; đồng thời lưu ý việc sử dụng tài sản công trong liên doanh liên kết.

Tại hội nghị, ông Trần Thế Cương một lần nữa quán triệt các quy định liên quan đến công tác thu chi, dạy thêm học thêm, dạy bổ trợ… và cho biết sẽ thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ năm học, nhất là với các nội dung được dư luận quan tâm, phản ánh.

Để ngăn hiện tượng ép học sinh học thêm, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường lưu ý thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó lưu ý không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Các nhà trường cũng cần tuân quán triệt giáo viên tuân thủ quy định không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Theo ông Trần Thế Cương, Hà Nội có số lượng trường học, số học sinh rất lớn, vì vậy có nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, vận hành, ở một số nơi có những tình huống bất thình lình xảy ra. Tuy nhiên, đó chỉ là những sự việc hi hữu, cá biệt. Qua hội nghị, toàn ngành thống nhất chủ trương phải tạo môi trường tốt nhất để học sinh được học tập, rèn luyện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về thu chi, về đạo đức nhà giáo…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở GD&ĐT Hà Nội chấn chỉnh một số vấn đề 'nóng' đầu năm học