Số hoá 'điểm danh' học sinh trong ngành Giáo dục Đồng Tháp

04/10/2023, 10:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đồng Tháp thực hiện mô hình 'Điểm danh bằng thiết bị nhận diện khuôn mặt' vào công tác quản lý giáo dục cơ sở.

Vận dụng công nghệ số vào giáo dục

Sự bùng nổ của công nghệ đã giúp quá trình chuyển đổi số trong giáo dục Đồng Tháp tiếp nhận thêm nhiều phương thức giảng dạy mới, mang lại tín hiệu tích cực. Các thiết bị thông minh như máy chiếu, bảng điện tử... hỗ trợ học tập được lắp đặt tại các phòng học.

Nhiều trường học tiến hành áp dụng phương thức dạy học trực tuyến, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên học tập linh hoạt và an toàn, như tổ chức các khóa học E-learning, tài liệu, Ebook online...

Bên cạnh những hạng mục trên còn có các mô hình khác, mới mẻ và sáng tạo được các trường vận dụng vào công tác quản lý học sinh và cán bộ giáo viên tại cơ sở.

Trong đó có mô hình “Điểm danh học sinh bằng thiết bị nhận diện khuôn mặt” của trường THCS Kim Hồng, phường 3, TP. Cao Lãnh là một điển hình cho sự vận dụng chuyển đổi số trong GD&ĐT.

Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT Thành phố Cao Lãnh cho biết: đến hiện tại 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số.

Các danh mục giấy tờ, sổ sách truyền thống được các đơn vị thực hiện chuyển đổi như: chữ ký số; học bạ điện tử, giáo án điện tử và hồ sơ điện tử, và mới nhất mô hình “Điểm danh số”, điểm danh bằng thiết bị nhận diện khuôn mặt.

Thiết bị nhận diện khuôn mặt tại một trường học ở đồng tháp . ảnh 1

Thiết bị nhận diện khuôn mặt tại một trường học ở đồng tháp .

Đối với mô hình này, phòng nhận thấy ý tưởng hay và rất ủng hộ các đơn vị thực hiện, trong thời gian tới phòng sẽ kiểm tra và đánh giá chất lượng hoạt động, để có hướng hỗ trợ cũng như đề xuất nhân rộng mô hình này khi kết quả kiểm tra đạt chất lượng – Thầy Thanh chia sẻ thêm.

Mô hình hay cho chuyển đổi số Giáo dục

Thầy Trần Thạnh Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Hồng chia sẻ: Thời gian qua, nhà trường nhận thấy công tác quản lý điểm danh được giáo viên thực hiện thủ công, khi đến cuối năm phải tổng kết sổ sách để ghi nhận báo kết quả của các em. Vấn đề này vừa tốn nhiều thời gian, công sức của giáo viên và cả học sinh, nhưng hiệu quả thì lại có khi không cao.

Chính từ những vấn đề trên, nhà trường đã quyết tâm thực hiện mô hình này sau nhiều lần thử nghiệm. Công trình được đưa vào dùng thử từ học kì 2 năm học trước đến đầu năm học 2023 - 2024 thì được đưa vào sử dụng chính thức.

Mô hình điểm danh bằng khuôn mặt được thực hiện dựa trên sự đối chiếu từ máy chủ với khuôn mặt của học sinh, hệ thống sẽ truy cập vị trí, và hình ảnh người dùng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Hệ thống sẽ đối chiếu với vị trí khuôn viên của trường và hình ảnh học sinh đã đăng kí trên máy chủ trước đó, nếu hình ảnh không trùng khớp và vị trí ngoài khuôn viên trường thì hệ thống sẽ không nhận diện.

Sau khi học sinh điểm danh, thông tin sẽ được thông báo đến máy chủ và truyền về cho phụ huynh một cách nhanh chóng. Điều này giúp nhà trường dễ dàng quản lý học sinh, cũng như đảm bảo cho phụ huynh nắm bắt thông tin kịp thời và an tâm hơn.

Cơ sở vật chất được nhà trường trang bị đáp ứng chuyển đổi số Giáo dục ảnh 2

Cơ sở vật chất được nhà trường trang bị đáp ứng chuyển đổi số Giáo dục

Về đầu tư cơ sở vật chất, trường lắp đặt hệ thống mạng wifi tốc độ cao và trang bị thêm 2 máy điểm danh cố định, dành cho những em chưa có điện thoại thông minh, hiệu quả tối ưu cho máy hoạt động là hơn 500 em / 1 máy.

Hiện tại, trường có 2 phòng máy tin học, 37 phòng học được lắp đặt tivi thông minh và hơn 60% các em học sinh có điện thoại thông minh nên công tác chuyển đổi số phần nào cũng đáp ứng.

Ngoài chuyển đổi các danh mục giấy tờ, sổ sách các đơn vị còn vận động phụ huynh học sinh không dùng tiền mặt trong thanh toán các khoản phí tại trường, thay vào đó sẽ thanh toán tiền học phí bằng các app online thông qua mã QR code do trường cung cấp.

Tuy nhiên bên cạnh thuận lợi còn có những khó khăn như: Sự mạnh dạn thay đổi, ứng dụng công nghệ số ở một số trường còn e ngại. Việc đồng bộ cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành còn có những hạn chế nhất định, tình trạng các phần mềm quản lý chồng chéo, trùng lắp vẫn còn diễn ra, thiết nghĩ cần có sự thay đổi về hệ thống đồng bộ để các trường phát triển tốt hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số hoá 'điểm danh' học sinh trong ngành Giáo dục Đồng Tháp