Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, ngành Giáo dục Phú Thọ đã đưa Hát Xoan vào giảng dạy trong các nhà trường.
Đồng thời, khi xây dựng khung chương trình Giáo dục địa phương cho các cấp học tại Phú Thọ, lĩnh vực văn hóa - lịch sử địa phương được xây dựng xuyên suốt gắn với các chủ đề dạy học từ cấp tiểu học, THCS đến THPT.
Trong đó nội dung các chủ đề hướng tới đều có liên quan mật thiết đến truyền thống vùng Đất Tổ, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng. Cùng với việc giảng dạy trong nhà trường, các trường còn tổ chức các hoạt động tham quan thực tế, các cuộc thi tìm hiểu về di sản.
Học sinh Trường Tiểu học Thọ Sơn tham gia Hát Xoan |
Cô giáo Lê Thị Việt An - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Công Nghiệp Việt Trì cho biết, việc lồng ghép nhiều hoạt động dạy học trên lớp với giáo dục di sản trong trường học đã góp phần đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn.
Nhờ đó, góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các em học sinh trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Việc tổ chức giờ học lịch sử ngay tại Bảo tàng Hùng Vương là minh chứng rõ nét nhất cho mô hình “Trường học gắn với di sản”. Qua đó đã tạo sự tương tác trực tiếp rất lớn giữa học sinh với giáo viên, cán bộ văn hóa, các nghệ nhân.
“Chúng tôi có những hoạt động cho các em tìm hiểu, đó là hoạt động giáo dục địa phương, có thời lượng để giảng dạy cho các em tìm hiểu tất cả những nội dung cơ bản nhất của Hát Xoan Phú Thọ. Chúng tôi có những giờ học lồng ghép ở trên lớp của những môn Lịch sử, Văn, Địa lý và hàng năm thì nhà trường đều có tổ chức các hoạt động để cho học sinh tìm hiểu và tham gia. Ngoài ra, chúng tôi còn có câu lạc bộ hát và âm nhạc", cô giáo Lê Thị Việt An chia sẻ thêm.
Có thể nói, các hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ như tuyên truyền, giáo dục và tổ chức các sự kiện văn hóa truyền thống đã được triển khai một cách tích cực trong nhà trường. Qua đây, các em học sinh được truyền đạt tinh thần yêu nước, tôn vinh truyền thống lịch sử và giá trị văn hóa của dân tộc.
Nhờ đó, các em có thêm cơ hội để phát triển tư duy logic, rèn luyện kỹ năng xã hội và tạo sự gắn kết với cộng đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động của nhà trường còn góp phần thiết thực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam.