Startup trẻ chờ cầu vồng sau đại dịch

Thảo Thu | 25/08/2021, 09:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTD) - Theo khảo sát, 50% startup xác nhận tình trạng hoạt động cầm chừng. 23% startup cho rằng đang mất đi cơ hội mở rộng thị trường. 20% startup tạm dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

20% startup dừng hoạt động

Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Sysvietnam - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam) có khảo sát về startup trong năm 2020. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 50% startup xác nhận tình trạng hoạt động cầm chừng và phát sinh thu nhập không đáng kể.

Trong khi đó, 23% startup cho rằng đang mất đi cơ hội mở rộng thị trường. 20% startup tạm dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. 4% startup phải dừng mọi hoạt động quảng cáo nhằm tiết kiệm chi phí. Chỉ 3% startup bị ảnh hưởng một cách hạn chế, không đáng kể.

Chị Phạm Thị Thuỳ Dung (Hà Nội) hiện đang là chủ công ty truyền thông và tổ chức sự kiện LiD Planner chia sẻ: “Từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 8 năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty đã gặp nhiều khó khăn và hầu như chỉ hoạt động bằng 2/3 công suất bình thường”.

Sự kiện tiệc cưới tổ chức bởi LiD Planner.jpg
Sự kiện tiệc cưới được tổ chức bởi LiD Planner (ảnh: LiD Planner)

Những tháng dịch cao điểm tại Hà Nội như từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2020 hoặc từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2021, LiD Planner hầu như không có doanh thu.

“Dịch bệnh xảy ra cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nhân sự của công ty. Nhiều bạn sinh viên chọn về quê học online thay vì ở lại thành phố. Do khoảng cách địa lý nên nhiều dự án không có đủ nhân sự để thực hiện khiến thời gian chuẩn bị phải kéo dài hơn gây thêm tốn kém”, chị Dung chia sẻ.

Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Chu Đức Trung (23 tuổi), giám đốc công ty TNHH SevenT Việt Nam, đang phải tìm cách tháo gỡ khó khăn để điều hành doanh nghiệp. SevenT là startup mới được thành lập trong hai năm nhưng đã phải trải qua 3 đợt dịch với nhiều lần phải dừng hoạt động để thực hiện chỉ thị về giãn cách.

Là một startup cung cấp các dịch vụ về sản xuất các dự án truyền thông, tổ chức sự kiện nên dịch bệnh xảy ra đã khiến việc kinh doanh và phát triển mô hình này gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Trung chia sẻ: “Công ty mới thành lập nên chưa có nhiều lợi nhuận, nguồn tiền duy trì luôn ở mức rất thấp, phải lấy nguồn nọ bù nguồn kia để bám trụ qua dịch. Các mô hình kinh doanh cái thì phải đóng cửa, cái thì không có khách hàng hoặc có nhưng chậm triển khai. Đặc biệt, trong đợt dịch lần này, do phải tuân thủ các quy định về cách ly nên công ty phải dừng hoạt động đến 80 %”. 

Bán hàng không tiếp xúc

Do khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã bỏ cuộc. Nhưng anh Trung vẫn kiên trì bám trụ để duy trì công ty. Anh cho rằng, nhìn ra bên ngoài, những công ty đã có nhiều năm kinh doanh và đã có giá trị rất lớn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi yếu tố khách quan là dịch bệnh. Bởi vậy, thay vì buông xuôi hay chấp nhận thì chúng ta nên tìm cách thích nghi cũng như xoay chuyển linh hoạt theo thời cuộc.

Để thích ứng, công ty của anh Trung đã đẩy mạnh sản xuất các chương trình, nội dung trực tuyến. Đây cũng là xu hướng được phát triển mạnh mẽ kể từ khi dịch bệnh xảy ra. Thay vì tổ chức các sự kiện offline tại các địa điểm tập trung, phương án tối ưu hiện tại là đưa lên không gian mạng. Từ việc hội họp, tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi hoặc tổ chức khai giảng, bế giảng hay các cuộc phát động, cuộc thi,… tất cả đều được tổ chức trực tuyến.

Các sự kiện được tổ chức trực tuyến .jpg
Một trong các chương trình trực tuyến được SevenT thực hiện (ảnh: SevenT Production)

Cũng theo chị Dung, công ty của chị đã phải đẩy mạnh hình thức “Bán hàng không tiếp xúc”. Các đơn hàng sẽ được khử khuẩn, giao tận cửa nhà khách hàng và thanh toán bằng phương thức chuyển khoản. Tuy mỗi mảng hoạt động của công ty đều được thực hiện trực tuyến, không tiếp xúc để đảm bảo quy định phòng, chống dịch nhưng vẫn đem lại nguồn thu để duy trì hoạt động cho công ty.

đơn hàng online.jpg
Các đơn hàng online vẫn được gửi đi đều đặn (ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sau cơn mưa sẽ có cầu vồng 

Chị Dung lạc quan cho rằng: “Dịch bệnh bên cạnh những khó khăn, phiền toái cũng mở ra một số cơ hội về cách “tổ chức sự kiện kiểu mới” như thực hiện cưới hỏi trên nền tảng trực tuyến, đây cũng là hướng đi mới mà công ty đang thử nghiệm trong thời gian này.”

Sau khi dịch bệnh đi qua, chúng ta sẽ có cách nhìn khác về cuộc sống cũng như cách chi tiêu hàng ngày. Điều này ảnh hưởng lớn đến thị hiếu khách hàng cũng như những hoạt động để thay đổi kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Anh Trung vẫn có phương án dài hạn và lộ trình cụ thể cho công ty. Dịch bệnh chỉ làm tiến trình đó chậm một chút, khi toàn xã hội trở lại, tiến trình đó lại được tiếp tục. Bên cạnh đó, nguồn động lực lớn nhất đối với anh là những anh, chị, em nhân viên nhiệt huyết cùng kề vai sát cánh. Đó cũng chính là nhân tố giúp anh tin tưởng rằng sau cơn mưa sẽ có cầu vồng.

Bài liên quan
Hà Nội: Thông tin 10 trẻ em ở Đội Cấn bị F0 là sai
(GDTD) - Tối 17/8, UBND quận Ba Đình cho biết, thông tin trên mạng xã hội về 10 trẻ em ở phố Đội Cấn là bệnh nhân Covid-19 là sai sự thật.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Startup trẻ chờ cầu vồng sau đại dịch