Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định) cho hay, học sinh không được tìm hiểu trước về đoạn văn bản trong đề kiểm tra gây ít nhiều bối rối khi làm bài. Do đó, người ra đề cần lưu ý dung lượng văn bản, không nên chọn văn bản quá khó, câu hỏi phải bám sát yêu cầu cần đạt của bài học, thể loại.
Cũng theo cô Thủy, cấu trúc đề kiểm tra cũng là cách giúp giảm áp lực cho học sinh. Người ra đề cần tăng số điểm phần đọc hiểu và giảm số điểm phần làm văn theo tỷ lệ 6/4 như nhiều trường đang thực hiện. Câu hỏi nghị luận xã hội được tích hợp vào phần đọc hiểu. Đề kiểm tra chất lượng học kỳ môn Ngữ văn khối 11 được nhà trường xây dựng theo đúng hướng dẫn của cấp trên. Riêng các em khối 10 và 12 sẽ làm bài kiểm tra cuối kỳ theo đề thi chung của Sở GD&ĐT Nam Định.
Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) tiến hành kiểm tra, đánh giá học sinh dựa trên các văn bản hướng dẫn của Phòng GD&ĐT Hà Đông và Sở GD&ĐT Hà Nội. Trong giai đoạn mới thay sách, cả giáo viên và học sinh phải tự học khá nhiều từ các nguồn khác nhau. Việc kiểm tra đánh giá với khối 6, 7, 8 học Chương trình GDPT mới căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư 22/2021 của Bộ GD&ĐT để phân loại học sinh.
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xinh cho rằng, ngữ liệu trong đề kiểm tra Ngữ văn cần ngắn gọn, xác định được câu hỏi liên quan; đề cập đến các vấn đề giáo dục lối sống, tình yêu quê hương đất nước, gia đình, bạn bè, mái trường… Giáo viên không nên lấy những ngữ liệu có tính trừu tượng có thể hiểu theo ý trái chiều hoặc liên quan đến yếu tố chính trị. Câu hỏi đặt ra vừa phải đáp ứng yêu cầu ma trận đề kiểm tra, đồng thời có tính phân hóa nhưng không đánh đố, làm khó học sinh.
Bà Nguyễn Thu Hương - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông (Hà Nội) trao đổi, thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, đơn vị đã tổ chức ra đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn với lớp 6, 7, 8 cho các trường trên địa bàn; riêng khối 9 vẫn ra đề ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Phòng đã sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học thuộc bài, sao chép tài liệu có sẵn. Không dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá chính xác khả năng đọc hiểu, phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học. Học sinh được bộc lộ phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, văn học, tư duy hình tượng, tư duy logic, khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo.