Sự thật việc metro Nhổn-ga Hà Nội bị đòi 115 triệu USD, kiện ra tòa quốc tế

PV | 30/10/2021, 17:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ban Quản lý dự án thừa nhận có việc chậm bàn giao mặt bằng thi công metro Nhổn - ga Hà Nội, nhưng gần 115 triệu USD là con số đơn phương nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại và chưa có chứng minh cụ thể.

Nhà thầu chưa chứng minh được thiệt hại

Ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (QLDA) - cho biết, nguyên nhân dẫn tới vướng mắc đối với nhà thầu chủ yếu xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ dự án bị chậm so với kế hoạch. Nhà thầu đã gửi thư khiếu nại và hai bên đã trao đổi, đối thoại nhưng chưa giải quyết được sự việc.

"Đưa ra tòa cũng là việc văn minh và chúng ta cũng cần phải làm quen dần, khi hai bên không thống nhất được thì đưa ra tòa để bên thứ 3 phân xử. Ban QLDA đang xin ý kiến các cơ quan về việc chuẩn bị các thủ tục tại tòa án quốc tế" - ông Hiếu cho hay.

Cũng theo ông Hiếu, khi làm hợp đồng FIDIC, hai bên đã rất rõ ràng về các điều kiện khiếu nại. Cụ thể, nếu chủ đầu tư và nhà thầu bị thiệt hại mà lỗi không do chủ quan của mình thì sẽ được đền bù thiệt hại, đây là điều khoản cân bằng giữa hai bên. Trường hợp hai bên không thống nhất giải quyết được các vấn đề khiếu nại thì có quyền khởi kiện ra tòa.

"Chủ đầu tư ghi nhận việc chậm bàn giao mặt bằng gây chậm tiến độ dự án. Tuy nhiên, số tiền đòi bồi thường thiệt hại hiện mới chỉ là con số mà nhà thầu đơn phương đưa ra, nhà thầu chưa có bất cứ tài liệu minh chứng nào, vì vậy chủ đầu tư chưa có cơ sở để xem" - ông Hiếu khẳng định.

Phó Giám đốc Ban QLDA cũng thông tin, chủ đầu tư sẵn sàng đối thoại với nhà thầu, không giải quyết được thì sẽ theo kiện tại tòa án quốc tế. Tại tòa, chủ đầu tư cũng sẽ đấu tranh đến cùng vì quyền lợi của dự án, của chủ đầu tư theo hợp đồng FIDIC đã ký. Nếu nhà thầu chứng minh được đầy đủ là có thiệt hại thực sự, đúng luật, chủ đầu tư sẽ báo cáo TP Hà Nội và sẵn sàng đền bù đúng theo quy định.

Cần phải nói thêm rằng, trong triển khai thực hiện các công trình, dự án, địa phương có dự án có trách nhiệm giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Nếu địa phương không thực hiện đúng cam kết, không đáp ứng được yêu cầu về mặt bằng khiến tiến độ thi công bị chậm thì nhà thầu có đòi bồi thường thiệt hại.

Trên thực tế, đã có các dự án sử dụng vốn ODA phải đền bù thiệt hại cho nhà thầu như nhà ga T2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đường vành đai 3 trên cao Hà Nội, cầu Nhật Tân - các dự án này do nhà thầu Nhật Bản thi công. Việc chậm bàn giao mặt bằng khiến cho thời gian thi công kéo dài hơn kế hoạch, theo hợp đồng và luật pháp quốc tế, chủ đầu tư buộc phải bồi thường thiệt hại cho nhà thầu nước ngoài.

Dự án đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, có tổng mức đầu tư ban đầu là 783 triệu Euro, trong đó vốn vay ODA là 653 triệu Euro, vốn đối ứng là 130 triệu Euro. Đến nay, tổng mức đầu tư điều chỉnh đã tăng lên 1.176 triệu Euro.

Nguồn đầu tư vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ là Chính phủ Pháp, Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn đối ứng ngân sách thành phố.

Bài liên quan
Nam Định: Bạn cùng lớp dương tính, 25 học sinh mầm non phải cách ly
Trần Minh Ph. (5 tuổi, con của bệnh nhân H. – lái xe luồng xanh mắc Covid-19) có kết quả dương tính nên 25 học sinh mầm non liên quan phải thực hiện cách ly

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự thật việc metro Nhổn-ga Hà Nội bị đòi 115 triệu USD, kiện ra tòa quốc tế