Tác dụng của cây cỏ xước

09/03/2023, 00:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cỏ xước từ lâu đã được biết đến là một vị thuốc quen thuộc trong Y học cổ truyền, vậy tác dụng của cây cỏ xước cụ thể như nào?

Cỏ xước còn có tên là Ngưu tất nam, tên khoa học là Radix Achyranthis asperae, là vị thuốc quen thuộc trong Đông y. Vậy, tác dụng của cây cỏ xước thế nào?

Tổng quan về cây cỏ xước và tác dụng của cây cỏ xước

Cỏ xước, hay còn gọi là cây ngưu tất, cây bách bội, hoài ngưu tất hay cỏ ngưu tịch, thuộc họ rau dền. Cây sống lâu năm, sinh trưởng và phát triển mạnh trong môi trường tự nhiên. Cao trung bình khoảng 1 – 1,5m, phân thành nhiều nhánh nhỏ. Lá đơn giản, hình trứng, thường mọc so le, đối nhau, phiến lá dày, cuống nhỏ. Hoa cỏ xước thường mọc ra từ các kẽ lá thành từng cụm nhỏ. Quả hình trứng thuôn hoặc bầu dục, mỗi quả đều chứa 1 hạt đen nhỏ bên trong.

Cây cỏ xước là thực vật thân thảo, là cỏ mọc hoang, vị thuốc nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Từ xa xưa, nó được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian chữa đau xương khớp, thoái hóa khớp, bệnh gout, chữa sỏi thận, tiểu đường và giúp ổn định huyết áp, hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch.

Rễ cỏ xước màu vàng hoặc nâu nhạt,  nhiều nốt sần của các rễ con, phần thân rễ phình to giống như rễ cây đinh lăng và rất giàu dược tính. Theo báo cáo nghiên cứu của viện khoa học quốc gia, rễ cỏ xước chứa rất nhiều saponin. Bên cạnh đó, nó còn có muối kali, inokosteron, ecdysterone.

Trong đó, saponin tác dụng chính là giúp đào thải các cholesterol xấu, chống oxy hóa giúp ngăn ngừa bệnh ung thư, đồng thời cũng tăng cường hệ miễn dịch, loại bỏ các độc tố trong gan, thận. Tuy là cỏ dại nhưng công dụng của nó khiến người ta ngỡ ngàng.

Tác dụng của cây cỏ xước - 1

Tổng quan về cây cỏ xước và tác dụng của cây cỏ xước.

Các bài thuốc chữa bệnh từ cây cỏ xước

Cây cỏ xước là vị thuốc quen thuộc trong Y học cổ truyền. Dưới đây là một số bài thuốc từ cây cỏ xước được đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống:

Chữa các chứng bốc hỏa

Người có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, đau mắt, ù tai, tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, khó ngủ, đau nhức dây thần kinh, rút gân, co giật, táo bón: Rễ cỏ xước 30g, thảo quyết minh sao 20g, tần giao 15g. Sắc uống mỗi ngày 1 tháng, chia 3 lần.

Viêm đa khớp dạng thấp

Rễ cỏ xước tẩm rượu sao 20g, độc hoạt 12g, tang ký sinh 16g, dây đau xương 16g, tục đoạn 12g, đương quy 12g, thục địa 12g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, tần giao 12g, quế chi 8g, xuyên khung 8g, cam thảo 6g, tế tân 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, trong 10 ngày.

Chữa thấp khớp đang sưng

Rễ cỏ xước 16g, nhọ nồi 16g, hy thiêm thảo 16g, phục linh 20g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g. Ngày uống 1 thang, trong 7 - 10 ngày liền. Hoặc cỏ xước 40g, hy thiêm 30g, thổ phục linh 20g, cỏ mực 20g, ngải cứu 12g, ké đầu ngựa 12g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa chứng sổ mũi, sốt

Cỏ xước 30g, đơn buốt 30g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 15g, liên kiều 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần.

Chống co giật, bại liệt, phong thấp teo cơ, xơ vữa mạch máu

Rễ cỏ xước 40g, tần giao 15g, xương truật 15g, phòng phong 10g, xuyên khung 15g. Sắc lấy nước thuốc uống nhiều lần trong ngày.

Chữa viêm gan, viêm thận, viêm bàng quang, tiểu vàng thẫm, tiểu đỏ, sỏi thận

Cỏ xước 15g, cỏ tháp bút 15g, mộc thông 15g, mã đề 15g, sinh địa 15g, rễ cỏ tranh 15g. Sắc lấy nước uống với bột hoạt thạch 15g, chia ba lần trong ngày.

Chữa trị mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, nhức đầu chóng mặt, ù tai, mờ mắt

Cỏ xước 16g, thảo quyết minh sao vàng 12g, xuyên khung 12g, hy thiêm 12g, nấm mèo (mộc nhĩ đen) 10g, đương quy 16g, cỏ mực 20g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống liên tục 20 - 30 ngày một liệu trình.

Lưu ý không nên áp dụng các bài thuốc này cho phụ nữ có thai.

Trên đây là tác dụng của cây cỏ xước và các bài thuốc trị bệnh từ cây cỏ xước. Lưu ý, những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi sử dụng bất cứ bài thuốc nào từ cây cỏ xước, bạn nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn.

Vân Anh(Tổng hợp)

Theo vtc.vn
Copy Link
Bài liên quan
Ăn đậu rồng nhiều có tốt không?
Trong đậu rồng có nhiều chất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên ăn đậu rồng nhiều có tốt không?

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tác dụng của cây cỏ xước