Tạo hóa rất công bằng khi con người sinh ra ai cũng có gần 14 tỷ tế bào não và khoảng 1,3 kg não bộ bằng nhau. Nhưng tại sao có những người rất xuất sắc và có những người lại rất bình thường?
Sự khác biệt cơ bản đó nằm ở cách chúng ta tác động, kích thích bằng ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh… từ bên ngoài vào bên trong thông qua 5 giác quan.
Trong 5 giác quan đó, hoạt động đọc có liên quan trực tiếp tới 3 giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác) bởi khi đọc sách, mắt phải nhìn, tai phải nghe, tay phải cầm, nên hoạt động đọc sách cho trẻ và dạy trẻ đọc sách từ sớm không chỉ giúp con trẻ học được ngôn ngữ, âm thanh mà còn là cách để đánh thức các năng lực vượt trội nằm sâu trong bán cầu não phải của trẻ.
Vì vậy, nếu các cha mẹ hiểu biết được quy luật hoạt động tự nhiên của bộ não trong giai đoạn này thì sẽ nhận thức được rằng hoạt động đọc vô cùng cần thiết và giá trị cho các con để đánh thức trí trí tuệ, làm nền tảng để phát triển tư duy của trẻ trong tương lai.
Theo bà Kim Thoa, hành động được lặp đi lặp lại sẽ tạo thành thói quen, và thói quen nếu muốn duy trì tốt, cần được hình thành từ nhỏ. Chính vì thế, việc xây dựng thói quen đọc sách cần được xây dựng ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
Từ đó, người đứng đầu Tân Việt Books nêu lên các bước giúp xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ. Có thể kể tên một số bước như: Cha mẹ phải là người đầu tiên hiểu được giá trị của việc đọc, mua sẵn những cuốn sách trong nhà, tạo góc đọc thân thiện trong phòng cho con, thường xuyên đọc sách cùng con và chia sẻ những câu chuyện xung quanh sách, cho con đến thư viện và nhà sách…
Trong đó, một bước vô cùng quan trọng nữa đó là cha mẹ cần đọc sách để làm gương cho con. Trẻ nhỏ khi nhìn thấy hình ảnh cha mẹ thường xuyên đọc sách, sẽ bắt chước và học theo bởi cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu của con cái.