Theo cô Phong, đối với những môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên hiện vẫn do giáo viên phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học phụ trách. Trong khi đó, môn Lịch sử và Địa lý, nhà trường có thuận lợi vì giáo viên được đào tạo đại học chuyên ngành kép Lịch sử - Địa lý tạo thuận lợi cho công tác soạn bài, lên lớp và liên kết các mạch kiến thức của cả 2 phân môn.
Một tiết học bộ môn Khoa học tự nhiên tại lớp 7A trường Tiểu học và THCS Vạn Thọ (Đại Từ, Thái Nguyên). |
Nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên, cô Nguyễn Thị Nguyên, giáo viên trường Tiểu học và THCS Vạn Thọ cho rằng: Việc tích hợp nội dung của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đòi hỏi các giáo viên cần đầu tư thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, bên cạnh việc tham gia tập huấn, bồi dưỡng, cũng cần tích cực trao đổi kinh nghiệm tại các buổi sinh hoạt chuyên môn ở cả ba phân môn, dự giờ học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp,...
Ưu điểm của Chương trình GDPT 2018 đó là không đặt nặng về kiến thức, mà tập trung vào năng lực của học sinh. Vì vậy, học sinh, để học tốt môn này, ngoài việc chăm chú nghe giảng, các em cũng phải chủ động trong việc học, từ việc chuẩn bị bài tập ở nhà theo yêu cầu, HS cũng cần thực hành nhiều hơn thay vì học những kiến thức lý thuyết, máy móc.
Sau mỗi bài dạy, cô Nguyên cũng thường cho học trò vẽ sơ đồ tư duy về nội dung đã học để có cái nhìn tổng quát. Ngoài ra, cô cũng thường xen kẽ trò chơi khi giảng dạy hoặc sử dụng phương pháp thuyết trình. Với phương pháp này, học sinh sẽ chuẩn bị nội dung thảo luận để nảy ra vấn đề, từ đó giáo viên sẽ kết luận.
“Sau hơn 3 năm triển khai chương trình dạy môn tích hợp, hầu hết các thầy, cô đã làm quen với công việc này. Nhờ vậy, những khó khăn từng bước được tháo gỡ qua sự phân công phù hợp, nhịp nhàng giữa các giáo viên, phương pháp dạy học tích hợp đã và đang tạo được hiệu ứng tích cực trong nhà trường”, cô Dương Thị Phong, Hiệu trường trường Tiểu học và THCS Vạn Thọ.