Em Lâm Hồ Thái Duy, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (Tiền Giang) phân vân trong việc chọn ngành nghề phù hợp sở thích hay nhu cầu tuyển dụng và cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Giải đáp vấn đề này, TS Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm phát triển nhân lực TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay có rất nhiều ngành nghề, hệ thống đào tạo rộng rãi, phong phú. Ngành nghề yêu thích, ngành nghề có thu nhập cao, ngành nghề “hot” hiện nay đều chỉ mang tính tương đối. Thí sinh cần suy nghĩ để chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, kinh tế của gia đình, không phân biệt trường học.
Thời kỳ nguồn nhân lực hiện nay gắn liền với chuyển đổi số, là tổng hợp ngành nghề và các kỹ năng, giá trị đạo đức. Đừng lo sợ việc học ngành này, ngành kia sẽ thất nghiệp. Ngoài việc học, cần phải rèn luyện kỹ năng, tạo những giá trị riêng cho mình, ứng dụng công nghệ, tư duy trong việc giải quyết vấn đề…
Với tốc độ phát triển nhanh chóng và không ngừng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang có tác động cực kỳ to lớn đến sự phát triển của kinh tế - xã hội, cung cấp nhiều lợi ích trong mọi ngành nghề. Đặc biệt, thời gian gần đây, sự xuất hiện của công cụ ChatGPT đang được xem là AI đặc biệt thông minh.
Cũng chính sự thông minh của ChatGPT đang khiến nhiều người lo ngại và suy đoán về việc sử dụng công nghệ trong tương lai rằng nó sẽ thay thế con người, thay thế hàng loạt công việc mà con người đang đảm nhận, từ lao động thủ công đến lao động trí óc. Một số ngành nghề được mọi người cho là AI sẽ thay thế, nên học các ngành như: Marketing, Truyền thông, Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực… sẽ khó tìm việc.
Theo TS Trần Anh Tuấn, ChatGPT gây ấn tượng nhờ khả năng hiểu và phản hồi các thắc mắc của người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên, mạch lạc. Sự sáng tạo của AI tuy không bằng con người nhưng đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong một số công việc liên quan đến viết lách, tính toán, tổng hợp… Do vậy, ChatGPT chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xu hướng ngành nghề và thị trường lao động trong tương lai. Tuy nhiên, thay vì lo sợ thì đón nhận và làm chủ công nghệ mới là hướng đi đúng đắn trong thời đại công nghệ 4.0 này.
Chia sẻ việc du học, em Nguyễn Minh Nhuận, học sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang muốn du học sau khi học đại học 1 hoặc 2 năm. Em cần biết thông tin trường đại học nào có chương trình du học và chuẩn bị những điều kiện.
Theo TS Trần Anh Tuấn, không cần phải học ở các trường có hợp tác quốc tế hay trường quốc tế ở Việt Nam mà sinh viên cần chuẩn bị kỹ năng ngoại ngữ, hoạt động xã hội, kết quả học tập để đủ điều kiện xét du học. Các trường đại học ở các nước phát triển rất quan tâm đến nguồn sinh viên, học sinh giỏi của Việt Nam...