Trong một tương lai đáng mơ ước, nước ta sẽ có một nền tảng số cho GDNN, kết nối tất cả các cơ sở GDNN trong và ngoài công lập, kết nối các nhà giáo, kỹ sư, doanh nghiệp với tất cả những ai có nhu cầu học nghề. Đồng thời kết nối với các cơ sở tri thức chuyên ngành, các kho học liệu số của Việt Nam và quốc tế.
Trên nền tảng số đó, mọi chủ thể chia sẻ dữ liệu, chia sẻ thông tin và tri thức với nhau. Từ đó, mỗi người có nhu cầu học nghề có thể tìm được người dạy nghề cho mình. Mỗi doanh nghiệp sẽ trở thành một cơ sở GDNN, cùng với hệ thống các trường nghề được chuyển đổi số để thành các trường nghề “thông minh”. Nhờ đó, có thể cung cấp dịch vụ đào tạo nghề cho bất kỳ ai có nhu cầu không phụ thuộc vị trí địa lý và độ tuổi.
Nói cách khác, một nền tảng số như vậy sẽ là một hạ tầng thiết yếu để xây dựng một xã hội học tập. Đây là điều kiện không thể thiếu để Việt nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.
TS Nguyễn Nhật Quang cho rằng, chuyển đổi số tất nhiên không chỉ là xây dựng một nền tảng công nghệ. Để chuyển đổi số GDNN cần giải quyết đồng bộ các vấn đề con người, về văn hóa và thể chế. Trong môi trường học tập mới, người học phải khác đi, người dạy cũng phải khác đi. Phương pháp sư phạm sẽ phải được tay đổi để thích ứng với các điều kiện mới.
Việc đưa các nội dung đào tạo cũ, cách thức truyền đạt cũ lên môi trường trực tuyến sẽ làm giảm chất lượng giáo dục và không phải là chuyển đổi số. Tương tự như vậy, các quy định, chế độ, các định mức kinh tế kỹ thuật cũng phải được thiết kế lại cho phù hợp với môi trường GDNN mới.
Tất cả các nội dung nêu trên đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị phải tham gia vào sự nghiệp chuyển đổi số GDNN. Tổng cục GDNN, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các chuyên gia đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT trong toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, rà soát bước đầu toàn bộ hành lang pháp lý liên quan đến GDNN. Phát hiện các vấn đề có khả năng sẽ cản trở quá trình chuyển đổi với việc xây dựng đề án chuyển đổi số của ngành.
“Có thể nói, đối với GDNN quyết tâm đã được khẳng định, các mục tiêu, lộ trình đã được phê duyệt, vấn đề bây giờ là tích cực triển khai một cách hiệu quả. Để chuyển đổi số GDNN một cách thành công cần thống nhất nhận thức đây là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Về phía Nhà nước, cần coi hoạt động chuyển đổi số GDNN là hoạt động đầu tư cho hạ tầng nhân lực cho nền kinh tế và phải được coi trọng ít nhất là ngang bằng với đầu tư cho các hạ tầng kỹ thuật quốc gia”, TS Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh.