Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã điều các tàu chở máy móc hạng nặng, chăn, máy phát điện, thực phẩm... đến vùng thảm họa. Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp nước này cũng điều thêm 16.000 nhân viên, 3.000 máy móc và 600 cần cẩu riêng cho nhiệm vụ di dời các mảnh vỡ.
Nhân viên cứu hộ dìu một người đàn ông đang khóc ra khỏi khu vực đổ nát ở Hatay - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8-2 - Ảnh: REUTERS
"Chúng ta đang đối mặt với một trong những thảm họa lớn nhất từ trước đến nay trong khu vực" - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu từ thủ đô Ankata khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng tại các tỉnh bị ảnh hưởng.
Một sự cố khác cũng làm gián đoạn việc vận chuyển hàng tiếp tế đến Thổ Nhĩ Kỳ, đó là đám cháy lớn bùng phát hôm 7-2 tại một trong các cảng lớn của nước này.
Tại Syria, các nỗ lực cứu hộ gặp nhiều khó khăn bởi vị trí của các khu vực động đất, vốn bao gồm cả vùng chính phủ kiểm soát và phe đối lập kiểm soát. Chưa kể cửa khẩu viện trợ duy nhất được Liên Hiệp Quốc (LHQ) phê duyệt giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đóng do thiệt hại từ động đất.
Tuy nhiên, vẫn có hy vọng viện trợ tiếp cận được các khu vực do phiến quân kiểm soát bằng các tuyến đường mới được mở hôm 7-2 bằng một tuyên bố đặc biệt từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Syria Faisal Mekdad.