Sức khỏe

Thảo dược trong bếp điều trị ngộ độc thực phẩm

Phạm Hoa 01/06/2024 07:15

(GDTĐ) - Ngộ độc thực phẩm là tình trạng gặp phải ở nhiều người khi ăn phải thực phẩm chứa độc tố, mầm bệnh gây hại cho cơ thể. Tình trạng này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Các triệu chứng ngộ độc như: đau bụng, trướng bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, dị ứng, mẩn ngứa... Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm ở mức độ nhẹ hoặc vừa, bạn có thể dùng một số thảo dược có trong bếp sau đây để chữa trị ngay tại nhà hoặc điều trị sơ cứu hỗ trợ ban đầu cho bệnh nhân.

Nhận biết và xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm

Đậu xanh: hạt đậu xanh có vị ngọt, tính mát. Để chữa ngộ độc thực phẩm dùng đậu xanh nghiền sống hòa nước, uống thật nhiều để nôn ra và giải độc.

Gừng: gừng sống có vị cay, tính ấm, gừng tươi chữa dị ứng, mẩn ngứa do ăn cua, cá... dùng bài thuốc gồm gừng sống và hành trắng, mỗi vị 15-20g cho vào ấm đậy kín sắc lấy nước uống nóng.

Riềng: chữa ngộ độc thức ăn gây đau bụng, nôn nhiều, đại tiện lỏng dùng bài: riềng ấm, gừng khô, củ gấu lượng bằng nhau, tán nhỏ, uống mỗi lần 6g, ngày uống 3 lần.

Tía tô: lá tía tô vị cay, tính ấm. Chữa dị ứng mẩn ngứa do ăn cua, cá, sò, thức ăn tanh, dùng lá tía tô một nắm giã vắt lấy nước cốt uống, bã thì sát vào chỗ ngứa, kiêng dầm nước và ra gió.

Quả khế: vị chua, ngọt, tính bình chữa ngộ độc thức ăn dùng quả khế ép lấy nước uống thật nhiều.

Tỏi: để chữa ngộ độc gây tiêu chảy. Tỏi vị cay, tính ấm. Dùng tỏi 100g sắc với 300ml, còn 100ml cho uống.

Thìa là: giải độc thức ăn tanh, cua cá, giúp tiêu hóa, chữa nôn, đầy bụng, dùng hạt thìa là 3-6g nhai nuốt.

Cam thảo bắc: rễ cam thảo bắc vị ngọt, tính bình khi dùng sống (không sao, đồ mềm, sấy khô) có tác dụng giải độc đối với ngộ độc thịt và nấm. Dùng bài thuốc gồm cam thảo bắc, đại hoàng mỗi vị 20g sắc uống.

Đậu ván trắng: hạt đậu ván trắng có vị ngọt, tính hơi ôn được dùng chữa ngộ độc thức ăn gây nôn mửa, tiêu chảy. Dùng bài thuốc gồm: đậu ván trắng 20g, hương nhu 16g, hậu phác 12g, sắc uống.

Củ chuối: vị ngọt, tính lạnh. Để chữa ngộ độc thức ăn lấy củ chuối tiêu thái miếng cho đầy nồi, đổ ngập nước, nấu với 40g muối, lấy 0,5 lít nước sắc uống để gây nôn.

Với mục đích dự phòng người ta lấy quả chuối xanh chát, chuối hột non thái lát làm rau ăn sống với sứa, cá gỏi cùng với rau thơm để cho bớt tanh và phòng tiêu chảy.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM CHO GIA ĐÌNH BẠN

Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm:

Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra với bất cứ ai, do đó, chúng ta không nên chủ quan và cần chủ động thực hiện các phương pháp phòng tránh như sau:

Ưu tiên sử dụng các thực phẩm tươi sống, không bị dập nát, có nguồn gốc và chất lượng đảm bảo.

Tuyệt đối không được sử dụng đồ ăn đã quá hạn sử dụng, đồ ăn có mùi hoặc dấu hiệu ôi thiu.

Không nên bảo quản thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh và cũng không nên sử dụng các loại thực phẩm này để chế biến. Bởi các vi khuẩn gây hại hoàn toàn có thể sinh sôi và phát triển ngay cả trong điều kiện bảo quản của tủ lạnh.

Đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh trong quá trình nấu nướng. Ví dụ như không sử dụng chung thớt thái đồ ăn sống và đồ ăn chín, rửa sạch các dụng cụ nấu nướng,...

Thực hiện nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”. Đặc biệt là với mẹ bầu đang trong thai kỳ hoặc phụ nữ đang trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ.

Với các tình trạng ngộ độc thực phẩm nhẹ hoặc xảy ra với người có sức khỏe tốt có thể áp dụng các cách chữa ngộ độc tại nhà để điều trị. Tuy nhiên, với các tình trạng ngộ độc với các biểu hiện nghiêm trọng hoặc với các đối tượng là người già trên 65 tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, mẹ bầu,... cần nhanh chóng đưa tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thảo dược trong bếp điều trị ngộ độc thực phẩm