Nhà tỷ phú hạng 51 thế giới James Simons nổi tiếng tiên phong và thành công trong lĩnh vực toán học, tài chính và những đóng góp thiện nguyện cho xã hội.
Simon từng giảng dạy tại các đại học top đầu thế giới như MIT, Harvard. |
James Simons sinh năm 1938 tại thành phố Newton, bang Massachusetts, Mỹ. Ông là con thứ hai trong gia đình Do Thái 3 người con, cha là chủ xưởng đóng giày trong khi mẹ ở nhà làm nội trợ.
Simons sớm đã bộc lộ năng khiếu về toán học và khoa học. Ông theo học bằng cử nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 17 tuổi và hoàn thành chương trình trong 3 năm, sớm hơn quy định trước khi tiếp tục lấy bằng tiến sĩ Toán học tại Đại học California, Berkeley. Luận án tiến sĩ của Simons tập trung vào nghiên cứu hình học và cấu trúc liên kết của đa tạp. Đề tài của ông đã được đánh giá cao, đưa Simons trở thành một tài năng đang lên trong lĩnh vực toán học.
Sau đó, ông quyết định gắn bó với công việc giảng dạy, nghiên cứu tại MIT và Đại học Harvard. Tuy nhiên, năm 1965, khi thấy bài báo của tướng Maxwell D. Taylor - Viện trưởng Viện Phân tích Quốc phòng (Bộ Quốc phòng Mỹ) - trên tờ New York Times ủng hộ việc Tổng thống Lyndon B. Johnson mở chiến dịch ném bom tại Việt Nam, Simons liền đăng bài phản pháo và bị đuổi việc, theo Cal Alumni Association (chuyên trang cựu sinh viên của ĐH California).
Tuy nhiên, không lâu sau đó, năm 1968, Simons được mời làm trưởng khoa Toán tại Đại học Stony Brook, nơi ông phát triển một trong những trung tâm hình học hàng đầu trên thế giới. Khi ở đó, ông và nhà toán học người Mỹ gốc Hoa Trần Tỉnh Thân tạo nên lý thuyết Chern - Simons, một đột phá lớn trong lĩnh vực vật lý lượng tử.
Năm 1976, James Simons nhận giải Oswald Veblen, giải thưởng danh giá nhất của Hội Toán học Mỹ trong môn hình học.
Song song với thành tựu toán học, James Simons cũng quan tâm đến công việc kinh doanh. Sau vụ dùng 5.000 USD (khoảng hơn 117,3 triệu đồng) tiền mừng cưới mua chứng khoán và bị thua sạch (năm 1958), ông đã rút kinh nghiệm sâu sắc và nghiên cứu cách ứng dụng những thuật toán quản lý phức tạp vào thị trường chứng khoán.
Ông và vợ thành lập Quỹ từ thiện Simons hỗ trợ hơn 2 tỷ USD cho nghiên cứu toán học, khoa học, bệnh tự kỷ. |
Những năm 1960-1970, ông cùng nhóm bạn dồn tiền tiết kiệm vào xưởng sản xuất sơn bóng đồ gỗ và đầu tư vào mặt hàng đường ăn. Việc buôn bán thuận lợi, nhóm Simons tích lũy được 6 triệu USD sau 7 năm kinh doanh và thành lập được hãng đầu tư Monemetrics - tiền thân của Renaissance Technologies - thực hiện ý tưởng sử dụng những mô hình toán học vào kinh doanh tiền tệ.
Vào thời điểm đó, tài chính định lượng vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và cách tiếp cận của Simons rất sáng tạo. Renaissance Technologies đã sử dụng các mô hình và thuật toán toán học phức tạp để phân tích một lượng lớn dữ liệu tài chính và xác định các mẫu có thể bị khai thác để kiếm lợi nhuận.
Dưới sự lãnh đạo của Simons, Renaissance Technologies đã đạt được lợi nhuận vượt trội cho các nhà đầu tư. Quỹ đầu cơ Medallion của công ty đã đạt được mức lợi nhuận trung bình hàng năm trên 66% kể từ khi thành lập vào năm 1988.
Trong cuốn The man who solved the market (Tạm dịch Người đàn ông giải mã thị trường), tác giả Zuckerman ước tính Renaissance đã tạo ra hơn 100 tỷ USD lợi nhuận giao dịch kể từ năm 1988 - nhiều hơn bất kỳ quỹ đầu cơ nào khác trong lịch sử - và tạo nên nhiều triệu phú, tỷ phú.
Thành công này đưa Simons trở thành một trong những người giàu có nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng ước tính hơn 28,1 tỷ USD, đứng thứ 51 thế giới (tính đến ngày 5/3). Tạp chí Forbes gọi ông là "vị tỷ phú thông minh nhất thế giới".
Ngoài được biết đến khối tài sản khổng lồ của mình, Simons cũng hết mình với hoạt động thiện nguyện. Năm 1994, ông và vợ, Marilyn Simons, thành lập Quỹ Simons, một tổ chức từ thiện đã hỗ trợ hơn 2 tỷ USD nghiên cứu toán học và khoa học cơ bản.
Trọng tâm của quỹ là thúc đẩy phát triển, tìm kiếm, và mở rộng các nghiên cứu khoa học lý thuyết cơ bản với nền tảng từ toán học. Năm 2005, Quỹ Simons thành lập Sáng kiến nghiên cứu bệnh tự kỷ (SFARI), tập trung vào tất cả các khía cạnh của nghiên cứu bệnh tự kỷ.
Năm 2013, GS Ngô Bảo Châu và GS Đàm Thanh Sơn trở thành những nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được Quỹ Simons tài trợ nghiên cứu 500.000 USD/người.