Thầy giáo vùng khó chia sẻ bí quyết giành điểm 10 môn Sử

22/07/2023, 13:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hai năm liên tiếp, một ngôi trường THCS&THPT ở vùng khó của Thanh Hóa đều có học sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) có một học sinh duy nhất đạt điểm 10 môn Lịch sử. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, một thầy giáo dạy môn Lịch sử của nhà trường có học sinh (HS) đạt điểm 10 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Người đã có công dìu dắt HS giành được điểm 10 môn học này, là thầy giáo Trịnh Thanh Tâm – giáo viên dạy môn Lịch sử duy nhất của nhà trường.

Bí quyết ôn luyện học trò

Sau khi có kết quả về kỳ thi, biết được học trò của mình giành được điểm 10 môn Lịch sử, thầy giáo Tâm đã dành thời gian chia sẻ bí quyết ôn luyện môn học này với phóng viên GD&TĐ.

Để có học sinh đạt điểm 10 liên tục trong 2 năm học, thầy Trịnh Thanh Tâm cho rằng, ngay từ đầu khóa học, khi học sinh bước vào trường, thầy đã nắm bắt thông tin từ các trường THCS về các em.

“Với những học sinh có tố chất bộ môn này từ cấp THCS, cùng với sự đam mê, tôi đã lập danh sách thành 1 nhóm riêng và xây dựng kế hoạch cụ thể để có giải pháp ôn luyện từ đầu”, thầy Tâm chia sẻ.

Cũng theo thầy Tâm, đối với việc ôn thi, giáo viên cần lập kế hoạch thật chi tiết. Bởi lẽ, Lịch sử là một môn học đòi hỏi tư duy cao, nên không chỉ học thuộc kiến thức, chăm chỉ giải đề, mà cần có phương pháp học tập phù hợp, mới đem lại hiệu quả cao. Để làm được điều này, học sinh cần căn cứ vào đặc điểm, khả năng nhận thức của mình để tự tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất.

Thầy giáo vùng khó chia sẻ bí quyết giành điểm 10 môn Sử ảnh 1

Thầy Trịnh Thanh Tâm và 2 em Hà Văn Phương, Hà Thị Lý (sinh viên năm thứ nhất ngành Sư phạm Lịch sử và Ngữ văn chất lượng cao, Trường ĐH Hồng Đức). Trong đó, em Hà Văn Phương đạt 10 điểm, em Hà Thị Lý đạt 9,5 điểm Sử, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022. Ảnh: NVCC.

“Theo kinh nghiệm của tôi, trong giai đoạn nước rút, các em cần lập kế hoạch cá nhân, phân bổ thời gian hợp lí cho từng chuyên đề ôn tập. Ngoài tài liệu trắc nghiệm do giáo viên cung cấp, học sinh cần phải tự luyện đề qua các kênh ôn tập.

Đặc biệt, học sinh phải tập trung luyện các đề thi khảo sát chất lượng của các trường THPT do Sở GD&ĐT ban hành. Các em cũng phải tìm hiểu, sưu tầm các dạng đề thi, đề khảo sát của các tỉnh, trên các kênh khác có độ tin cậy cao để làm quen với nhiều dạng đề, tăng kĩ năng làm bài”, thầy Tâm cho hay.

Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử và ôn thi tốt nghiệp cho học sinh, thầy Tâm cho rằng, ngay từ đầu giáo viên không được coi việc luyện đề là quan trọng nhất, mà phải tập trung truyền đạt, cung cấp cho các em những kiến thức trọng tâm.

Tránh việc học tủ, học vẹt một số sự kiện, hoặc chỉ chú trọng học câu chữ, mà không học nội dung, bản chất của kiến thức. Không chỉ học nội dung trong sách giáo khoa, mà cần phải khai thác các kênh học khác...

Bên cạnh đó, thầy giáo dạy môn Lịch sử này cũng cho hay, ngoài việc nắm vững kiến thức trọng tâm và rèn các kĩ năng làm bài, làm bài theo “mẹo” cũng là một cách nên khuyến khích học sinh vận dụng.

“Đầu tiên, thí sinh cần tìm từ khóa trong đề thi, để xác định nội dung trọng tâm câu hỏi. Sau đó, cần đọc kỹ đề, tìm ra phương án trả lời nhanh và đúng nhất. Thí sinh chú ý, không tập trung quá nhiều thời gian vào câu khó, mà nên làm câu dễ trước, câu khó thì làm sau.

Các em cũng cần biết cách loại trừ phương án sai đối với những câu không nhớ chính xác phương án trả lời. Thay vì tìm phương án đúng, các em có thể tìm phương án sai để loại trừ. Càng nhiều phương án càng tốt, đến khi nhận thấy phương án khả thi nhất, thì lựa chọn đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm”, thầy Tâm tiết lộ.

Theo cách hướng dẫn của thầy giáo Tâm, thì để đạt được điểm cao trong môn Lịch sử, thí sinh cần biết cách phân biệt một số dạng câu hỏi thường gặp. Trên cơ sở đó có các phương án trả lời cho từng dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan.

Theo quan điểm của thầy giáo Trịnh Văn Tâm, Lịch sử là môn nổi tiếng với nhiều mốc thời gian, sự kiện và nhiều con số, nhưng không phải là không có cách để nhớ những mốc sự kiện đó. Nếu các HS xây dựng được cách học, thì việc đạt được điểm cao môn Lịch sử sẽ không còn là mối lo.

Nam sinh trường khó giành điểm 10 môn Sử

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em Hà Văn Trung (lớp 12A5), Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa), là HS duy nhất của nhà trường đạt điểm 10, môn Lịch sử.

Thầy giáo vùng khó chia sẻ bí quyết giành điểm 10 môn Sử ảnh 2
Nam sinh Hà Văn Trung cùng cô giáo chủ nhiệm Hà Thị Hương và các bạn học. Ảnh: NVCC.

Gia đình Trung ở thôn Báng, xã Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa), cách xa trường gần 20km. Đây cũng là địa phương đang thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bá Thước.

Trung sinh ra trong một gia đình có bố là giáo viên dạy trường Tiểu học Thành Sơn, mẹ làm nông nghiệp. Hằng ngày, Hà Văn Trung thức dậy thật sớm để đến lớp học vì nhà ở khá xa với trường.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Hà Văn Trung đạt được tổng số điểm của Tổ hợp C19, là 28,5 điểm, trong đó, Ngữ văn: 8,75; Lịch sử: 10.00; GDCD: 9,75.

Trò chuyện với phóng viên GD&TĐ, nam sinh người Thái này tiết lộ một số bí quyết học tập để đạt điểm 10 kỳ thi vừa qua. Trung cho biết: “Em có phương pháp học tập khoa học, ghi nhớ những sự kiện logic và thường xuyên ôn tập, giải đề. Đọc kỹ, nắm ý chính và từ khóa để vẽ sơ đồ tư duy theo cách sáng tạo của bản thân.

Em cũng tự học thuộc, ghi nhớ những điểm chính, sự kiện chính đó theo cách logic nhất. Cần nắm chắc kiến thức ở sách giáo khoa trước khi muốn học thêm bất kì tài liệu nào, bởi đây là nguồn tư liệu quan trọng nhất”.

“Bạn Hà Văn Trung là lớp phó lao động của lớp, nên có thể thay mặt giáo viên chủ nhiệm điều hành tốt các buổi lao động của lớp. Bạn ấy có lối sống hòa đồng, thân thiện, được bạn bè tin yêu, quý mến, có ý thức tự học hỏi, tự tìm tòi để học và rất mạnh dạn hỏi và trao đổi với thầy, cô giáo. Tham gia đầy đủ và nhiệt tình các phong trào bề nổi của lớp, của trường”, cô Hà Thị Thu - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa).

Cũng theo nam sinh Hà Văn Trung, trong quá trình ôn thi môn Lịch sử, em luôn tìm kiếm đề thi của những năm trước và nhiều nguồn đề để có thể luyện tập, làm quen với cấu trúc, câu hỏi của đề thi.

“Ở trên trang mạng xã hội Facebook có rất nhiều những group, hội nhóm được lập ra bởi các anh chị, thầy cô đi trước nhằm mục đích trao đổi kiến thức hoàn toàn miễn phí, nên em cũng tham gia học tập ở trong đó.

Đây cũng là cách giúp em thu nạp được rất nhiều kiến thức bổ ích...Nhờ đó, mà em đạt được điểm 10 môn lịch sử Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023”, Hà Văn Trung tâm sự.

Với số điểm mình đã đạt được trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Hà Văn Trung dự định sẽ xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Lịch sử. Bởi, ước mơ của Trung sẽ trở thành thầy giáo dạy Lịch sử, để theo nghề giáo của bố.

Thầy giáo vùng khó chia sẻ bí quyết giành điểm 10 môn Sử ảnh 3

Nam sinh Hà Văn Trung, Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC.

Nhận xét về học trò của mình, cô Hà Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5, cho hay, Hà Văn Trung là một học sinh ngoan, chăm chỉ, luôn gương mẫu thực hiện tốt các nội quy, quy chế của nhà trường và lớp học. Bạn ấy sống có trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Cũng theo cô giáo Hà Thị Hương, Hà Văn Trung có thái độ nghiêm túc trong học tập, xác định được mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Có những trăn trở trong phương pháp học tập, đặc biệt những môn thi trắc nghiệm. Có ý thức tự học cao, trong giờ học trên lớp rất nghiêm túc. Tuy nhà ở cách xa trường gần 20km, nhưng Trung đi học rất đầy đủ, đúng giờ. Trung cũng là học sinh luôn được thầy, cô giáo và các bạn yêu quý.

“Sau khi đã xác định được các dạng câu hỏi, thí sinh tiến hành đọc tất cả các câu hỏi và đáp án có trong đề thi. Từ đó, xác định các câu hỏi dễ để trả lời trước, không cần theo thứ tự.

Trong quá trình làm bài cần đọc kỹ đề, xác định gạch chân từ khóa trong đề để hiểu rõ yêu cầu của đề. Đây là khâu hết sức quan trọng để các em không bị lạc đề trong quá trình làm bài. Đối với những câu hỏi thí sinh không nắm chắc hoàn toàn kiến thức, thì có thể thực hiện phương án loại trừ”, thầy Tâm nêu ra phương án.

Bài liên quan
An Giang tập huấn công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Sở GD&ĐT An Giang tổ chức Hội nghị tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thi tốt nghiệp và công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy giáo vùng khó chia sẻ bí quyết giành điểm 10 môn Sử