GDTĐ - Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật Bản là trở ngại để Moscow và Tokyo đạt được hiệp ước hòa bình, Điện Kremlin tuyên bố.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington vào cuối tuần này.
Đây cũng là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Mỹ sau 9 năm.
Reuters mô tả chuyến thăm nhằm thể hiện mối quan hệ an ninh và kinh tế chặt chẽ giữa Mỹ - Nhật, trong đó hai nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận về hợp tác liên quan đến thiết bị quốc phòng và khả năng nâng cấp cơ cấu chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật Bản.
“Liên minh phòng thủ trên thực tế đã hình thành và chúng tôi biết về khả năng quân sự của Mỹ được triển khai tại Nhật Bản”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 8/4 và nhấn mạnh: “Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Nhật Bản luôn là trở ngại trong quá trình tiến tới hiệp ước hòa bình Moscow – Tokyo. Chúng tôi xem đây là vấn đề chính trong quan hệ hai nước Nga – Nhật Bản”.
Nga và Nhật Bản cho tới nay vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình chấm dứt Thế chiến II, do các tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga, còn ở Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phía Bắc.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hồi tháng 1 ra điều kiện Nhật Bản phải từ bỏ yêu sách lãnh thổ đối với quần đảo tranh chấp này nếu muốn ký kết một hiệp ước hòa bình.
Moscow năm 2022 đã rút khỏi các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình với Nhật Bản và đóng băng các dự án kinh tế chung liên quan đến vùng đảo tranh chấp, do lệnh trừng phạt mà Tokyo áp lên Moscow sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Mối quan hệ giữa hai nước Nga – Nhật cũng đã trở nên tồi tệ hơn kể từ thời điểm xảy ra xung đột Ukraine.