Mô hình hợp tác quốc tế giữa các trường đại học, đặc biệt tại Đông Nam Á, khẳng định vai trò trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu.
Ngày 26/7, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức Diễn đàn Hiệu trưởng các trường Đại học Đông Nam Á năm 2025 lần thứ nhất với chủ đề "Diễn đàn đối thoại, khám phá và hợp tác chiến lược" (Ho Chi Minh University of Banking - The First Rector South East Asia Forum 2025: A Forum for Dialogue, Discovery, and Strategic Collaborations).
Diễn đàn quy tụ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia quản lý giáo dục, học giả và đối tác quốc tế, cùng hướng tới mục tiêu thúc đẩy đối thoại, khám phá và thiết lập các mối quan hệ hợp tác chiến lược trong bối cảnh chuyển đổi số và quốc tế hóa giáo dục đại học.
Diễn đàn được chia thành 2 phiên chính, tập trung vào việc ký kết các thỏa thuận hợp tác và thảo luận chuyên sâu về chiến lược phát triển giáo dục.
Trong phiên đầu tiên, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với các đối tác quốc tế uy tín, bao gồm Học viện Ngân hàng Lào (BI), Viện Bách khoa Châu Á - Campuchia (CAPI), Đại học Hong Kong (HKU), Đại học Champasack (CU) (tham gia trực tuyến) và Đại học Đông Nam Á (USEA).
Những thỏa thuận này mở ra cơ hội tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên, thu hút sinh viên quốc tế và hợp tác nghiên cứu khoa học, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình quốc tế hóa của nhà trường.
Cũng trong phiên này, nhà trường ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ DCH. Quan hệ đối tác này tập trung vào đào tạo chuyên sâu về Data Center, điện toán đám mây và chuyển đổi số, hỗ trợ sinh viên thực tập, phát triển các chương trình liên kết và cấp chứng chỉ.
Hai bên cũng cam kết hợp tác nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho trung tâm dữ liệu xanh, triển khai dự án nghiên cứu chung.
Đồng thời, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM sẽ cung cấp chuyên gia tư vấn về chính sách, pháp lý, tài chính cho các dự án Data Center, tổ chức hội thảo, tư vấn cấu trúc tài chính, gọi vốn và tài trợ nghiên cứu về AI và Blockchain.
Phiên thứ hai với chủ đề "Chiến lược hợp tác đại học trong kỷ nguyên chuyển đổi số và quốc tế hóa giáo dục" tập trung vào chủ đề hợp tác chiến lược giữa các trường đại học trong bối cảnh chuyển đổi số và quốc tế hóa giáo dục đại học.
Các đại biểu từ các Trường Kinh doanh EM Normandie, Trường Đại học Tamkang, Trường Đại học Văn Tảo, Trường Đại học Siena...dự và thảo luận chủ đề trên.
Các chuyên gia và nhà quản lý giáo dục đã trình bày những tham luận, thảo luận về chiến lược thu hút sinh viên quốc tế, tăng cường trao đổi và chuyển đổi tín chỉ quốc tế.
Nhiều diễn giả cũng chia sẻ những mô hình hợp tác đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, mang đến những góc nhìn mới mẻ và giải pháp thiết thực cho giáo dục đại học.
Mô hình hợp tác quốc tế, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, đang ngày càng khẳng định vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhận thức rõ tầm quan trọng này, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tích cực đẩy mạnh vai trò kết nối và hợp tác học thuật trong mạng lưới quốc tế.
Diễn đàn trên nhằm quy tụ các lãnh đạo trường đại học để cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và kiến tạo những mối quan hệ đối tác chiến lược.
Diễn đàn là cơ hội để các nhà lãnh đạo giáo dục cùng nhau xây dựng chiến lược hợp tác bền vững, góp phần nâng tầm giáo dục đại học trong khu vực.