Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút và luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, các trình độ đào tạo.
Tại hội nghị, ông Mark Tattersall - Đại diện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, GD&ĐT là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước. Đại sứ đề cao những thành tựu của giáo dục Việt Nam cùng sự cởi mở của Việt Nam trong hợp tác, tiếp cận đầu tư.
Trình bày Báo cáo tổng quan về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết, tính đến 31/12/2021, Việt Nam có 605 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 4,57 tỉ USD, tăng 321 dự án FDI so với 5 năm trước, số vốn đăng ký đầu tư cũng tăng trên 3,5 tỉ USD...
Sau khi phân tích và đánh giá thực trạng của hoạt động hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục trong thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cũng đã đưa ra những khuyến nghị, đề xuất để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
“Để thành công trong hoạt động đầu tư giáo dục tại Việt Nam các nhà đầu tư cần cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật liên quan, tìm hiểu nhu cầu đầu tư của các địa phương, xây dựng và thực hiện các dự án.
Ngoài ra, các địa phương cần có cơ chế chính sách, tạo điều kiện môi trường thông thoáng, mở cửa, dành quỹ đất cho giáo dục nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Chủ động lên danh mục dự án đầu tư về giáo dục theo nhu cầu đầu tư của từng địa phương và chủ động tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến, kêu gọi đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước…”, ông Dũng khuyến nghị.
Trong khuôn khổ Hội nghị, diễn ra Lễ trao các thoả thuận hợp tác giữa một số cơ sở giáo dục đại học trong nước với các tổ chức, cơ sở giáo dục nước ngoài.
Cũng trong Hội nghị, các đại biểu đã có những bài Tham luận, Tọa đàm trao đổi về các vấn đề xoay quanh lĩnh vực giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả và thu hút hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Được biết, những ý kiến, đề xuất tại hội nghị được Bộ GD&ĐT ghi nhận, tổng hợp, tiếp thu, tham khảo trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, tăng cường kết nối, hợp tác trong giáo dục, đáp ứng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của giáo dục Việt Nam.