Khó giải quyết triệt để
Trước thực trạng vi phạm bản quyền tràn lan, trong khi luật pháp chưa thể hoàn thiện khoả lấp kẽ hở - nhiều tổ chức đã cho ra đời các sàn giao dịch bản quyền, nhằm đảm bảo lợi ích và thúc đẩy sáng tạo.
Ngoài các sàn giao dịch bản quyền sách, công chúng Việt Nam còn biết đến sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến, như: Indochine Art, NFT… Mới đây, ngày 27/2 sàn giao dịch nội dung có bản quyền đầu tiên cũng được ra đời (Content.E).
Các sàn giao dịch bản quyền phần nào đáp ứng được nhu cầu trao đổi mua – bán tác phẩm. Đồng thời, cũng giúp các bên tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm nguồn mua, bán tác phẩm đảm bảo các quy định của luật pháp.
Tuy nhiên, với những phức tạp trong hoạt động vi phạm bản quyền vẫn khiến giới nghệ thuật không khỏi băn khoăn. Bởi suy cho cùng, sàn giao dịch là nơi mua – bán, đảm bảo các vấn đề pháp lý, chứ không thể giải quyết triệt để nạn ăn cắp bản quyền.
Bà Minh Hương - Đại diện Conten.E, cho biết: Sàn giao dịch trên nền tảng số không giải quyết hết các vấn đề mà giúp hai bên kết nối cách minh bạch. Các kịch bản, format được chào bán chỉ mới là ý tưởng. Nếu thống nhất mua bán, hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc để phát triển nội dung.
Hoạt động giao dịch mua bán bản quyền gắn liền với các hoạt động kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch, chính trị… Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề trong việc mua bán, như việc cạnh tranh về giá bản quyền, không thực hiện đúng điều khoản hợp đồng, in nhái, sao lậu. Đây là rào cản lớn nhất để những người hoạt động sáng tạo thực sự muốn cống hiến.
Đại diện Công ty Tuttle-Mori Agency Thái Lan, bà Pimolporn Yutisri cho biết: “Các nhà xuất bản quốc tế lo ngại về vấn đề sách lậu, họ mong muốn tỷ lệ sách lậu giảm xuống 0%”. Tuy nhiên, một số nhà xuất bản Việt Nam vẫn chưa đạt được mức tiêu chuẩn mà các nhà xuất bản quốc tế đặt ra.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết có rất nhiều nguyên nhân xoay quanh vấn đề bản quyền. Đầu tiên là vấn đề nhận thức, từ gia đình đến nhà trường. Thứ hai là cần hoàn thiện thể chế pháp luật. Thứ ba là sự vào cuộc của doanh nghiệp, các đơn vị này phải chủ động trong việc bảo vệ bản quyền của mình.
Đặt trong bối cảnh chung, các sàn giao dịch bản quyền ở Việt Nam hiện nay chỉ có thể hạn chế được mức độ vi phạm. Để thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật, còn cần đến sự chung tay vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như người dân.