"Con chúng tôi đang học lớp 11, năm sau nếu thi rớt và thi lại thì sẽ thi với lứa học chương trình mới. Như vậy rất khó khăn", chị Vân bày tỏ.
Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng quyền tuyển sinh thuộc về các trường đại học. Các cơ sở giáo dục sẽ công bố phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh theo từng phương thức.
Nếu thí sinh học chương trình cũ xác định thi lại năm sau thì rõ ràng phải chấp nhận "cuộc chơi" khi khóa sau được giảng dạy theo mô - túyp, phương pháp mới, được tiếp cận theo năng lực nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, kiến thức giữa hai chương trình có nhiều nội dung cơ bản, không quá khác biệt, các tổ hợp xét tuyển đại học cũng luôn có môn chính như toán, văn, ngoại ngữ. Vì thế, thí sinh cũng không quá lo lắng.
Dù vậy, bà Thủy khuyên rằng hiện các trường có rất nhiều phương thức tuyển sinh với những cơ hội từ xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ hay thi đánh giá năng lực. Do đó, học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn.
"Các em nên tập trung đầu tư ngay từ bây giờ và với kết quả tốt nhất, cùng với đó, sử dụng thêm các phương pháp khác để trúng tuyển ngay từ năm đầu tiên" - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khuyên.