Thuyết phục UNESCO hạ giải nhà Cục tác chiến để phục dựng điện Kính Thiên

24/12/2023, 21:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những bước tiến trong khảo cổ học đã thuyết phục được về mặt khoa học đối với các cơ quan tư vấn chuyên môn của UNESCO.

Muốn phục dựng điện Kính Thiên, buộc phải hạ giải nhà Pháo binh và nhà Cục tác chiến để tạo cảm quan đầy đủ về không gian toàn vẹn của khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Tại Hà Nội vừa diễn ra Hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ từ năm 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long”.

Đa số các ý kiến của giới chuyên gia đều đồng thuận ủng hộ việc phục dựng điện Kính Thiên, hạ giải nhà Pháo binh và nhà Cục tác chiến do người Pháp xây dựng trong Hoàng thành Thăng Long.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, điện Kính Thiên là biểu tượng quốc gia dân tộc Việt Nam nên việc khôi phục là danh dự và trách nhiệm của chúng ta, nếu không làm được là có tội với quốc gia, dân tộc, với tiền nhân và con cháu sau này.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Thế giới năm 2010. Từ đó đến nay, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản được thực hiện nghiêm cẩn theo các khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Chính phủ.

Từ năm 2011 đến nay, đã tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực chính điện Kính Thiên với tổng diện tích khoảng hơn 10.000m2, thu được kết quả lớn. Đồng thời thu được nhiều tư liệu xác thực, góp phần nghiên cứu và khôi phục chính điện Kính Thiên.

Năm 2023, tiếp tục khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông - Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích hơn 1.000m2 tại 3 vị trí, Cục tác chiến, nền điện Kính Thiên và Hậu Lâu. Mặt Bắc nhà Cục tác chiến xuất lộ một số mảng sân Đan Trì cũng như dấu tích Ngự đạo, móng nền kiến trúc thời Lý.

Đến thời điểm hiện nay, tại vị trí các hố khai quật thăm dò tiếp tục xuất lộ dấu vết kiến trúc thời Nguyễn, thời Lê trung hưng và thời Lê sơ. Phía Nam Hậu Lâu cũng xuất lộ 2 lớp kiến trúc thời Lê trung hưng và Lê sơ gồm đường đi, nền gạch, móng cột, móng bó nền…

Bà Phạm Thị Thanh Hường - quyền Trưởng Văn phòng UNESCO Hà Nội đánh giá cao những kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long và cho biết, các chuyên gia UNESCO đã nhận định trong báo cáo kết thúc chuyến công tác tư vấn gần đây rằng - nhà Pháo binh và nhà Cục tác chiến tạo sự cản trở về không gian toàn vẹn của khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Những bước tiến trong khảo cổ học đã thuyết phục được về mặt khoa học đối với các cơ quan tư vấn chuyên môn của UNESCO.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuyết phục UNESCO hạ giải nhà Cục tác chiến để phục dựng điện Kính Thiên