“Tiếng chuông”: Bộ phim đánh thức chữ hiếu từ cõi chết

30/08/2023, 14:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ phim chưa đầy 20 phút, khai thác các câu chuyện xung quanh một nghĩa trang, đã chạm đến cảm xúc đặc biệt của người xem về hiếu nghĩa của đời người, như một món quà đặc biệt trong tháng Vu Lan này.

Đã rất lâu rồi, ta mới thấy lại hình ảnh của chiếc quan tài “sắm sẵn để trong nhà”. Một chiếc quan tài vuông 6 tấm, sơn son đỏ, xưa lắm. Một bà cụ đang ngồi bổ cau bên cạnh. Ngoài hiên, nắng mới đã lên, một sân thóc vàng óng bên ngôi nhà cổ với những gốc mộc hương già, gợi lại một không gian Việt Nam xưa như đã từng.

Đây là “món quà” mà chồng bà, người đã ra đi cách đây tròn 10 năm, đã đóng tặng bà. Ở quê ngày ấy, cứ 60 tuổi, các cụ đã lo về hậu sự: cỗ áo quan và mảnh đất sống gửi thác về. Họ không nghĩ bổn phận đó là của con cái, mà họ phải tự lo như cha ông hàng nghìn năm qua đã tự lo như vậy.

“Tiếng chuông”: Bộ phim đánh thức chữ hiếu từ cõi chết - 1

Bà sống cùng cỗ áo quan nay cũng tròn 30 năm, không sợ, như là thấy cái việc đó rất đỗi bình thường mà bao người vẫn thế. Đâu biết rằng, thời thế ngoài kia đã thay đổi nhiều…

Và con người cũng đã thay đổi

Chàng thanh niên ở thành phố, một doanh nhân, nghĩ đến một món quà hiếu nghĩa cho cha mẹ: sắm trước một phần đất vừa vặn một khuôn viên nghĩa trang gia đình, thực hiện cái mong mỏi của bố mẹ anh: sống cạnh nhau thì mai này trăm tuổi về già, vẫn lại ở cạnh nhau.

Việc chọn trước một sinh phần, với thế hệ người cũ và thế hệ “giao lưu giữa cũ và mới” không có gì lạ lẫm, nhưng cái khác biệt là người con trai, đã là người chủ động, thay vì để cho bố mẹ mình phải lo toan.

Anh nói rằng, cả một đời cha mẹ hy sinh vì con cái, xây nhà cao cửa rộng cũng là để cho con cái, không lẽ giờ này, ngay khi cha mẹ vẫn còn đây, mà phận con cái, không tặng cho cha mẹ một lối về trăm năm được ở cạnh mình, để bố mẹ yên tâm sống vui trọn vẹn phần cuộc đời còn lại hay sao…

“Tiếng chuông”: Bộ phim đánh thức chữ hiếu từ cõi chết - 2

Không biết ngoài kia, có nhiều người nghĩ như thế hay không, hay chúng ta mải lo toan theo cơm áo gạo tiền, công danh sự nghiệp mà hiếm khi chịu dừng lại một chút để nghĩ đến những điều như chàng trai kia đã nghĩ?

Chiếc xe tang đi an nhiên trong bình minh. Đại lộ hoa hoàng yến rực vàng dẫn lối ra tượng Địa tạng vương Bồ Tát và tượng Đức Chúa. Một đôi trẻ nắm tay nhau cắm hoa lên mộ cha mẹ mình, quay lại nhìn nhau trong khói chiều bảng lảng. Một gia đình ngồi uống trà suy tư trong phong đường mộ phần gia tộc….

Đó là những khoảng lặng, để ta nghĩ về nhiều thứ: về chữ hiếu, về sự sống, chứ không phải nghĩ về cái chết. Bởi chết trong đời, ai cũng một lần đến, như những hình ảnh rất liêu trai trong phim “thử chết một lần” để thấy cuộc đời này đáng sống thế nào.

“Tiếng chuông”: Bộ phim đánh thức chữ hiếu từ cõi chết - 3

Tiếng chuông xuyên suốt bộ phim, vang lên trong nắng, trong hoa cỏ, trong mưa, trong màn đêm, trong bình minh, như đánh thức mọi ngóc ngách của cuộc sống này những gì đẹp đẽ và đáng sống nhất ở cuộc sống này.

Một bộ phim ngắn rất đẹp và công phu, rất đáng xem và ta sẽ ngộ ra nhiều thứ trong đó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Tiếng chuông”: Bộ phim đánh thức chữ hiếu từ cõi chết