Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) với dự án G-SORT – Thùng rác phân loại tự động. |
Trong vai học sinh, 80 giáo viên đến từ các trường THCS và THPT, tham gia tập huấn giáo dục STEM do Sở GD&ĐT Khánh Hòa tổ chức, đã có những trải nghiệm thú vị với tiết học mẫu. Với tiết học Chất chỉ thị, thầy cô sử dụng dung dịch cải tím và các nguyên liệu được cung cấp để đổi màu cho các dung dịch khác, pha chế nên nhiều loại nước uống với đủ màu sắc bắt mắt để chuẩn bị cho hội trại của trường. Những học sinh vốn là giáo viên đã có một tiết học đầy hào hứng khi trao đổi, bàn luận, thử nghiệm, sáng tạo và chờ đợi thành quả.
TS Nguyễn Thị Anh Thư cho rằng, với triển khai hoạt động STEM theo phương pháp Học theo dự án (Project Based Learning - PBL), giáo viên cần lưu ý phải chọn những vấn đề gần gũi với học sinh để tăng sự hứng thú và phải có ý nghĩa. Học sinh phải có cơ hội được trình bày và lựa chọn các phương án mà các em cho là tối ưu. Vì vậy, đây phải là một quy trình mở và đáp án chỉ là tối ưu trong tình huống đó, nếu tình huống thay đổi thì sẽ có những đáp án khác thay thế..
Có cùng quan điểm như vậy, ông Vũ Đình Chuẩn cho rằng, với giáo dục STEM, sẽ có nhiều phương án đúng để giải quyết một tình huống. Thậm chí, phương án sai cũng là một sự cần thiết. Nếu sai, học sinh sẽ quay lại làm lại giả thiết.
Theo thầy Phan Tiến Dậu, với các dự án giáo dục STEM, giáo viên phải xây dựng một kênh hướng dẫn cho học sinh. Cách đặt vấn đề cho học sinh phải phù hợp với lứa tuổi, không quá mông lung. Nếu thầy cô đưa ra một số giới hạn thì học sinh sẽ tìm được những giải pháp thiết kế phù hợp. Với điều kiện hiện nay của các trường phổ thông, có thể tổ chức các chuyên đề tích hợp – liên môn theo hướng giáo dục STEM. Điều này có thể thực hiện được vì nguyên liệu, giá thành để làm ra các sản phẩm tương đối rẻ, đơn giản, dễ tìm.
Thông qua thực hiện các dự án giáo dục STEM cũng đã hình thành và phát triển được năng lực, góp phần định hướng nghề nghiệp của học sinh, là cơ sở để các em có thể tự tin lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với bản thân sau khi tốt nghiệp THPT. Theo thống kê, hàng năm, chỉ có khoảng 36% học sinh THPT theo học các lĩnh vực STEM, trong khi đây là giải pháp để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật. - Ông Vũ Đình Chuẩn